In bài viết

IPPlatform: Đưa thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp đến gần với công chúng

(Chinhphu.vn) - Qua hơn 2 năm chính thức đưa vào sử dụng (từ tháng 5/2020 đến nay), Nền tảng Dữ liệu và dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp - IPPlatform ngày càng được đánh giá cao và có lượng người dùng truy cập ngày càng tăng, phục vụ hiệu quả việc khai thác thông tin về sở hữu công nghiệp. Đây là nền tảng có thể khai thác trực tuyến miễn phí.

22/12/2022 17:20
IPPlatform: Đưa thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp đến gần với công chúng - Ảnh 1.

Giao diện trang chủ của Nền tảng Dữ liệu và dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp

Theo Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), việc tiếp cận kịp thời và khai thác hiệu quả thông tin sở hữu công nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp và hoạt động tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Từ các thông tin liên quan đến tình trạng kỹ thuật, pháp lý… của các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, các doanh nghiệp, trường, viện thực hiện thúc đẩy phát triển các tài sản trí tuệ mới, công nghệ mới có tính sáng tạo, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh, tiếp cận nhanh và mạnh vào các thị trường tiềm năng.

Vì vậy, IPPlatform là nền tảng trực tuyến được vận hành tại địa chỉ http://ipplatform.gov.vn đã được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai thiết lập, duy trì và phát triển. Đây là một công cụ phục vụ việc khai thác thông tin về sở hữu công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp và nhu cầu của doanh nghiệp, trường, viện nghiên cứu trong hoạt động nghiên cứu, tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

Qua hơn 2 năm chính thức đưa vào sử dụng, IPPlatform ngày càng nhận được sự quan tâm, truy cập, sử dụng của đông đảo người dùng. Đối tượng sử dụng phong phú, đa dạng, thống kê cho thấy người dùng trong nước không chỉ tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, mà còn phân bố đều ở các tỉnh, thành phố trong cả nước; bên cạnh đó, còn thu hút người dùng từ nước ngoài như Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Theo thống kê tự động, đến thời điểm hiện tại đã có trên 350.000 khách truy cập, với trên 4,5 triệu trang truy cập; gần 40 lượt cập nhật thông tin sở hữu công nghiệp và hơn 20 lượt yêu cầu đăng thông tin trên sàn giao dịch đã được tiếp nhận, xử lý.

Mặc dù IPPlatform có thể khai thác trực tuyến miễn phí, nhưng để hỗ trợ người dùng và nâng cao hiệu quả khai thác, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức thiết lập các trạm IPPlatform và tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân liên quan cách thức khai thác nền tảng này.

Hiện nay, mạng lưới các trạm IPPlatform đã được thiết lập, mở rộng tại nhiều địa phương trong cả nước nhằm đưa thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp đến tận địa phương, gần với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 24 trạm IPPlatform được thiết lập và vận hành tại 20 sở KH&CN, 2 viện nghiên cứu và 2 hiệp hội.

Tại các trạm IPPlatform, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ được phổ biến, hướng dẫn kỹ năng khai thác thông tin sở hữu công nghiệp, được cung cấp các dịch vụ tư vấn về sở hữu công nghiệp. Ngoài ra, trạm IPPlatform cũng hỗ trợ công tác khai thác thông tin phục vụ hoạt động quản lý, phát triển tài sản trí tuệ ở địa phương. Đến nay, các trạm IPPlatform đã cung cấp hàng nghìn lượt tư vấn miễn phí và hàng trăm lượt dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Ông Nguyễn Huy Trọng, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh (nơi đặt Trạm IPPlatform Hà Tĩnh) cho biết, nền tảng IPPlatform đã hỗ trợ cho công tác quản lý của Sở rất nhiều trong việc tra cứu, quản lý đơn đăng ký, cũng như văn bằng bảo hộ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo dõi, quản lý tài sản trí tuệ tốt hơn.

IPPlatform: Đưa thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp đến gần với công chúng - Ảnh 2.

Khai trương trạm IPPlatform tại Cà Mau và tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân liên quan cách thức khai thác Nền tảng IPPlatform - Ảnh: VGP/HG

Nâng cấp IPPlatform, mở rộng mạng lưới các trạm IPPlatform

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn trong quá trình khai thác và vận hành Nền tảng IPPlatform cũng như các trạm IPPlatform, như: Nhận thức của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ và vai trò của thông tin sở hữu công nghiệp còn nhiều hạn chế; dữ liệu chưa được cập nhật thường xuyên và còn thiếu nhiều thông tin, phương thức đồng bộ dữ liệu sở hữu công nghiệp vào Nền tảng IPPlatform còn thực hiện thủ công…

Theo ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, trước mắt cần tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn cho người dùng cũng như tập huấn cho cán bộ vận hành trạm; cập nhật đầy đủ và kịp thời các thông tin về đối tượng sở hữu công nghiệp; nâng cấp công cụ cập nhật thông tin sở hữu công nghiệp vào Nền tảng IPPlatform như cập nhật tự động, trực tiếp.

Muốn vậy, rất cần có sự tích cực tham gia của các sở KH&CN, các trường, viện nghiên cứu trong việc mở rộng các trạm IPPlatform và trong công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn khai thác thông tin sở hữu công nghiệp. Đồng thời cần sự hỗ trợ của lãnh đạo Bộ KH&CN, các đơn vị trong Bộ trong việc hỗ trợ thúc đẩy cập nhật thông tin sở hữu công nghiệp, nâng cấp IPPlatform và phát triển công cụ cập nhật thông tin cho IPPlatform, mở rộng mạng lưới các trạm IPPlatform.

Từ đó, phát huy hiệu quả của Nền tảng IPPlatform, đưa thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp đến gần với công chúng, góp phần hỗ trợ hoạt động phát triển tài sản trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ, cũng như hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Hoàng Giang