Ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam đưa ra cam kết trên trước thềm Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, sẽ diễn ra tại TP. Cần Thơ vào ngày 21/6/2022.
Ông Murooka Naomichi đánh giá cao chính sách của Chính phủ Việt Nam đối với sự phát triển của ĐBSCL, đặc biệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; coi đây là một trong những "tài liệu quan trọng" giúp vùng ĐBSCL xác định quỹ đạo phát triển theo hướng bền vững.
Đặc biệt, Quy hoạch có tính đến tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nhận định, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận phù hợp, xây dựng quy hoạch mới với quan điểm tạo nên một chiến lược tổng hợp, chú trọng vào khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, và quan trọng nhất là công tác điều phối vùng giữa tất cả các tỉnh thuộc ĐBSCL.
Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cũng cho biết, tại lễ công bố Quy hoạch, JICA cùng với các đối tác phát triển khác sẽ ký Biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Việt Nam.
Bản ghi nhớ sẽ khẳng định mối quan tâm của tổ chức nói riêng và các đối tác phát triển nói chung đối với những hợp tác tài chính cụ thể tại khu vực ĐBSCL.
Theo ông Murooka Naomichi, JICA sẽ tích cực xem xét việc hỗ trợ xây dựng và mở rộng đường bộ ở TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.
Các dự án hợp tác hướng tới mục tiêu không chỉ củng cố mạng lưới đường bộ địa phương mà còn nâng cao tính kết nối giữa các trung tâm trọng điểm ở ĐBSCL, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội khu vực phát triển.
"JICA kỳ vọng Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ KH&ĐT, sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt của mình trong việc đẩy nhanh tiến độ xem xét các báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và rút ngắn quy trình, thủ tục phê duyệt để các dự án tại khu vực sớm được thực hiện", ông Murooka Naomichi nhấn mạnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của ĐBSCL đối với sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh mức độ rủi ro do biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, JICA đã và đang liên tục triển khai các dự án ODA trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực giao thông vận tải, giáo dục và nông nghiệp, cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, JICA đã hỗ trợ xây dựng cầu Cần Thơ, giúp cải thiện mạnh mẽ tính kết nối của TP. Cần Thơ, trung tâm phát triển của ĐBSCL, với các khu vực khác, đẩy mạnh tiềm năng phát triển của Thành phố.
JICA cũng đã hỗ trợ nâng cấp 25 cầu dọc Quốc lộ 1 đoạn từ TPHCM đến TP. Cần Thơ và xây mới 104 cầu yếu tại 10 tỉnh thuộc ĐBSCL, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực này thông qua việc bảo đảm mạng lưới đường bộ an toàn, thông suốt và đáng tin cậy, đồng thời cải thiện tính kết nối giữa khu vực thành thị và nông thôn, nhờ đó thu ngắn sự chênh lệch phát triển giữa các vùng miền.
Trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, JICA đặc biệt tích cực hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ nhằm phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thích ứng với biển đổi khí hậu.
JICA cũng đang xem xét nhân rộng các dự án cơ sở hạ tầng thích ứng với biển đổi khí hậu tại các địa phương trong khu vực, sau thành công của dự án xây dựng hai cống ngăn mặn tại tỉnh Bến Tre, trong nỗ lực góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân.
"Tôi tin tưởng, sự tham gia của JICA tại vùng ĐBSCL sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng trong khu vực", ông Murooka Naomichi bày tỏ.
Hương Giang