In bài viết

Kể chuyện biển Đông

Sau sự kiện ba tàu hải giám của Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển nước ta ngăn cản và cắt cáp tàu địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang khảo sát địa chấn ở thềm lục địa miền Trung ngày 26/5, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của phía Việt Nam thông qua con đường ngoại giao, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động ngang ngược vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của ta. Họ cho tàu chiến xua đuổi thậm chí bắn vào các tàu cá của ta, yểm trợ cho hàng đoàn tàu cá loại lớn của Trung Quốc ngang nhiên đánh bắt hải sản trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của ta.

07/06/2011 14:52

Đúng vào thời điểm này hai ông tướng của hai bên: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Lương Quang Liệt gặp nhau trong một cuộc họp tay đôi tại Singapore trong khuôn khổ diễn đàn An ninh châu Á - Thái Bình Dương khiến dư luận đặc biệt quan tâm với nhiều hy vọng. Thế nhưng từ những gì mà báo chí trong nước đưa tin về nội dung cuộc gặp này thì nhiều người không khỏi lo lắng bởi cả hai bên đều nói những điều đã nói, thậm chí đã nói nhiều lần mà sự căng thẳng ở biển Đông vẫn tiếp tục gia tăng.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng, quan hệ Việt - Trung đang phát triển tốt đẹp, tuy nhiên còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông nên "đôi khi vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc mà hai bên không mong muốn". Sự kiện tàu Bình Minh 02 đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại. Đại tướng đề nghị các cơ quan cấp dưới của hai bên chấp hành nghiêm chỉnh những cam kết của lãnh đạo hai nước, bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách hòa bình thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế, hết sức kiềm chế để không xảy ra những vụ việc tương tự.

Thượng tướng Lương Quang Liệt cho biết, quan điểm của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở biển Đông là giải quyết thông qua đàm phán ngoại giao và đồng ý với Đại tướng Phùng Quang Thanh là phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Ông nói Trung Quốc không muốn sự việc tương tự xảy ra trong tương lai và khẳng định rằng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc không có hành động can dự nào vào sự việc vừa diễn ra.

Giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông bằng đàm phán ngoại giao và dựa vào luật pháp quốc tế là nguyên tắc mà hai vị Bộ trưởng đều nêu ra, thoạt nghe tưởng như nhất trí nhưng thực ra lại chứa đựng những khác biệt lớn không dễ vượt qua. Vì nhiều nước trong khu vực như Phillipines, Indonesia, Malaysia, Bruney và cả Đài Loan đều có chung quyền lợi chứ biển Đông không phải của riêng Trung Quốc hay Việt Nam nên phía Việt Nam đề nghị phải đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp nhưng phía Trung Quốc thì chỉ "thích" đàm phán song phương Trung Quốc - Việt Nam. Vì sao vậy nếu không phải là chính sách chia để trị, gặm dần lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của từng nước. Tờ báo mạng "Quân sự thiên thiên" của Trung Quốc mới đây trong bài (không ghi tên tác giả): "Trung Quốc sử dụng vũ lực giải quyết vấn đề Nam Hải, nước nào là đối tượng đầu tiên?", nêu vấn đề giữa Phillipines và Việt Nam thì đánh nước nào trước cho có lợi, đã nói lên điều đó. Về đàm phán phải dựa trên luật pháp quốc tế, quan điểm của Việt Nam là Công ước Liêp Hợp Quốc về Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên về biển Đông, còn cái gọi là luật pháp quốc tế mà Trung Quốc nêu ra là "yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc ở biển Đông" còn gọi là yêu sách đường lưỡi bò đã từng bị cộng đồng quốc tế cực lực phản đối bởi nó xâm chiếm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước trong khu vực, bước đi đầu tiên của họ trong mưu đồ bá chủ biển Đông. Đối với Việt Nam điều này thể hiện rất rõ trong tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam về vụ ba tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam rằng: "Do phía Việt Nam tiến hành thăm dò dầu khí trên vùng biển do Trung Quốc quản lý làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc nên Trung Quốc phải hành động".

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh châu Á - Thái Bình Dương ngày 5/6, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, những hành động vừa qua của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền Việt Nam, gây lo ngại cho thế giới làm cộng đồng quốc tế băn khoăn về những tuyên bố công khai của Trung Quốc về các vụ xảy ra không chỉ với Việt Nam mà cả với Phillipines và Malaysia.Ông tuyên bố chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ.

Trải qua nhiều năm chiến tranh nên chúng ta rất tha thiết với hòa bình và tìm mọi cách có thể để duy trì hòa bình. Chúng ta muốn hòa bình thân thiện với các nước láng giềng để cùng phát triển nên phải nhân nhượng nhưng quyết không để sự nhân nhượng đó bị lợi dụng để lấn tới. Ông cha ta có câu "Cây muốn lặng nhưng gió chẳng muốn dừng", nếu tình hình ấy cứ tiếp tục xảy ra thì phải hành động, phải biến cây thành rừng, "trồng tre nên gậy" để ngăn gió lại, biến sức một người thành sức của muôn người. Đó là bài học giữ nước mà tổ tiên đã để lại cho ta.

TTN