Toàn cảnh hội nghị G20, tại Brisbane. Ảnh: AFP/TTXVN |
G20 đã đề ra hàng loạt biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm như nhất trí triển khai Sáng kiến Cơ sở Hạ tầng toàn cầu, đặt mục tiêu giảm khoảng cách về tỷ lệ tham dự trong lực lượng lao động giữa nam giới và nữ giới xuống 25% vào năm 2025, nhất trí về Kế hoạch hành động chống tham nhũng giai đoạn 2015-2016; tăng cường sức mạnh của các tổ chức tài chính toàn cầu, trong đó ưu tiên tiến trình cải tổ Quỹ tiền tệ quốc tế.
Các chuyên gia đánh giá đây là sự cải tổ kinh tế “toàn diện và chặt chẽ,” có thể tạo ra “hiệu ứng lan tỏa tích cực” cho các nước ít phát triển hơn nằm ngoài Nhóm G20.
Kế hoạch này cũng sẽ tạo ra áp lực để tất cả các nền kinh tế phát triển thực hiện khoảng 800 biện pháp cải tổ kinh tế, từ việc cải tổ thị trường lao động cho tới giảm bớt các hàng rào thương mại.
Theo Thủ tướng Australia Tony Abbott, vấn đề thương mại được coi là hiệu quả nhất trong hai ngày họp với một thỏa thuận thống nhất, giúp mở rộng thương mại toàn cầu, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân các nước.
Đây cũng là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo G20 dành hẳn một phiên họp để thảo luận các vấn đề năng lượng toàn cầu. Cho đến nay, các nước thành viên G20 chiếm tới hơn 80% mức tiêu thụ năng lượng thế giới, khoảng 60% sản lượng dầu khí và hơn 90% sản lượng than đá toàn cầu. Vì vậy, G-20 nhấn mạnh sự ổn định lâu dài của các thị trường dầu mỏ được nhìn nhận là yếu tố cốt lõi để đảm bảo thành công của những cải cách mà các thành viên G20 đã cam kết
Các nước G-20 cũng tái khẳng định sự hỗ trợ, huy động tài chính cho các chương trình về môi trường như Quỹ khí hậu xanh của Liên Hợp Quốc (LHQ). Đây là chương trình nhằm kêu gọi sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước phát triển đối với các nước nghèo để chống lại những tác động của biến đổi khí hậu. Nhật Bản đã đồng ý đóng góp 1,5 tỷ USD trong khi Pháp và Đức mỗi nước sẽ đóng góp 1 tỷ USD cho quỹ.
PV