In bài viết

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 91/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

14/01/2025 17:51
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050- Ảnh 1.

Đắk Nông ưu tiên các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng.

Ưu tiên các dự án hạ tầng y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Theo Kế hoạch, đối với các chương trình, dự án triển khai thực hiện quy hoạch, cụ thể về các dự án đầu tư công, tỉnh Đắk Nông sẽ ưu tiên các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại ba cực động lực tăng trưởng đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh; hạ tầng y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng thông tin, truyền thông, chuyển đổi số để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.

Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi; cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải (đối với các khu vực mà doanh nghiệp không đầu tư) đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Thu hút đầu tư gia tăng mật độ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh gắn với công nghệ tiên tiến hiện đại.

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: hạ tầng giao thông; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hạ tầng logistics; các dự án phát triển công nghiệp, nông nghiệp và du lịch; các dự án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, chuyển đổi số; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các dự án cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị, dân cư, thương mại, dịch vụ.

Chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển; thu hút đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường; an sinh xã hội; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm quốc phòng an ninh.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Trong đó, tổ chức rà soát Quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch Vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo quy định của pháp luật, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo lợi thế trong việc thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thu hút làn sóng đầu tư mới có chất lượng vào các lĩnh vực công nghiệp khai thác bô xít - chế biến alumin - luyện nhôm và năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh,...

Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực để phục vụ phát triển các ngành trọng điểm của tỉnh. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa về trình độ, kỹ năng, thái độ phục vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức; đội ngũ công nhân lành nghề có tác phong công nghiệp phục vụ yêu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư tại tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí của khoa học công nghệ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nhận chuyển giao những thành tựu của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chọn tạo giống, chế biến và bảo quản nông sản; công nghiệp khoáng sản, bô xít - alumin, năng lượng tái tạo, y tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ mới vào quản lý sản xuất, kết nối cung cầu sản phẩm, nâng cao hiệu suất chế biến sản phẩm.

Thu hút, thành lập tổ chức khoa học công nghệ, ưu tiên các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Nâng cấp, hoàn thiện và tiếp tục phát triển các tổ chức khoa học công nghệ hiện có. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

Tập trung phát triển kinh tế - xã hội toàn diện

Đồng thời, chú trọng và tập trung phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nhanh, bền vững; quan tâm đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ đầy đủ, công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Triển khai các chương trình xóa đói, giảm nghèo đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội...

Phương Nhi