Căn cứ quy định tại Nghị định số 24/2013/NĐ-CP, ông Hùng đã chuẩn bị bộ hồ sơ để đăng ký kết hôn gồm: Công hàm độc thân, giấy khám sức khỏe, kết quả khám tâm thần tiền hôn nhân tại Mỹ. Tất cả đã được hợp pháp hóa lãnh sự và đóng dấu giáp lai của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ.
Tuy nhiên, khi làm thủ tục tại bộ phận tư pháp Quận 7, TP. Hồ Chí Minh, chuyên viên tư pháp yêu cầu ông phải bổ sung bản photo hộ chiếu có phần nhập cảnh của người nữ, bản photo xác nhận tình trạng hôn nhân của ông Hùng và giấy khám sức khỏe tâm thần tại Việt Nam.
Theo ông Hùng, bộ hồ sơ của ông đã có kết quả khám tâm thần tiền hôn nhân tại Mỹ (bản tiếng Việt và tiếng Anh), đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ xác nhận là hợp lệ thì việc yêu cầu phải có giấy khám sức khỏe tâm thần tại Việt Nam là không hợp lý.
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, ông Hùng đề nghị giải đáp, yêu cầu của chuyên viên tư pháp Quận 7 có đúng quy định không?
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp trả lời như sau:
Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và các quy định về thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ đã hết hiệu lực thi hành.
Theo quy định của pháp luật hiện hành (Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch) thì hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài bao gồm các giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu, có đủ thông tin của hai bên nam, nữ. Hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn.
- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận các bên kết hôn không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
- Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa có quốc tịch nước ngoài thì giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng, xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng.
- Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp bản sao hộ chiếu/giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc xuất trình bản chính hộ chiếu/giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu trong trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ.
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam cư trú trong nước (trong giai đoạn chuyển tiếp).
Pháp luật cũng quy định giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để sử dụng cho việc đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp thì khi tiếp nhận hồ sơ, người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên của người tiếp nhận.
Do đó, nếu trong hồ sơ đăng ký kết hôn của ông Nguyễn Mạnh Hùng đã có đủ các giấy tờ nêu trên, giấy khám sức khỏe do cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ cấp đã được hợp pháp hóa lãnh sự thì yêu cầu của cán bộ tiếp nhận hồ sơ là không đúng quy định pháp luật. Bộ Tư pháp sẽ có văn bản đề nghị Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh kiểm tra, xác minh thông tin ông Hùng phản ánh và chấn chỉnh sai phạm (nếu có).