Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, lạm phát là vấn đề của toàn cầu hiện nay. Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đang thực hiện các giải pháp để kiểm soát lạm phát.
Đối với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở cửa rất lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên, nhiên vật liệu từ thế giới, cho nên cũng chịu áp lực của lạm phát.
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt các bộ, ngành, trong đó chính sách tiền tệ, tài khóa cần phải phối kết hợp chặt chẽ với nhau. Trong những tháng đầu năm, lạm phát của chúng ta đang ở mức kiểm soát được, tức là tăng 2,25%.
Nhưng qua phân tích, đánh giá, "chúng tôi thấy rằng chủ yếu mức tăng giá này liên quan đến giá hàng hóa thế giới. Các gói trong chương trình phục hồi kinh tế chưa giải ngân, cho nên trong thời gian tới, khi những gói giải pháp này đưa ra cũng sẽ tác động đến lạm phát", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết.
Bởi vậy, từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ sẽ phải thực hiện theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô, cũng như tiến độ giải ngân của các gói trong chương trình phục hồi kinh tế, để đưa ra những biện pháp điều hành phù hợp.
Về bản chất, chính sách tiền tệ là chính sách ngắn hạn, vì vậy, trong điều hành kiểm soát lạm phát phải phối kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá. Hiện nay chúng ta có Ban Chỉ đạo điều hành giá. Thông qua Ban Chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành phải phân tích rất sát những diễn biến, nguyên nhân của lạm phát để đưa ra sự kết hợp cho phù hợp.
Liên quan đến điều hành thị trường tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, thị trường tiền tệ là một trong những phân khúc của thị trường tài chính, chủ yếu là thị trường ngắn hạn và do sự điều hành, tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước theo dõi rất sát diễn biến, có nhiều điều tiết về thanh khoản phù hợp để đưa ra những chính sách về tiền tệ như chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá. Về cơ bản trong 5 tháng qua, thị trường tiền tệ diễn biến khá ổn định.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết, trong 5 tháng vừa qua, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các công điện để chỉ đạo các bộ, ngành phải rà soát thị trường tiền tệ.
Bên cạnh đó, "Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo cho các tổ chức tín dụng phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về chứng khoán, nhưng cũng phải đảm bảo theo đúng các quy định pháp luật về ngân hàng", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay.
Bà Hồng cũng nhấn mạnh về yếu tố kiểm soát được rủi ro của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Bởi nếu các tổ chức tín dụng tham gia các thị trường tiền tệ mà không kiểm soát được rủi ro thì lúc đó không có khả năng thu hồi được những khoản đầu tư, sẽ khó khăn cho việc đáp ứng nhu cầu chi trả của người gửi tiền.
Hải Liên