In bài viết

Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận

09/08/2008 18:06

Ngày 23 tháng 7 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Thuận. Cùng thăm và làm việc với Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường. Sau khi đi kiểm tra tiến độ dự án muối Quán Thẻ, địa điểm xây dựng dự án Nhà máy Điện hạt nhân; nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp triển khai 6 tháng cuối năm 2008, ý kiến của các Bộ, cơ quan; Thủ tướng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Cùng với cả nước, tỉnh Ninh Thuận cũng thực hiện được một nửa nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm 2006-2010 về phát triển kinh tế - xã hội. Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong Tỉnh, kinh tế - xã hội đã có bước phát triển khá, GDP năm 2006 đạt 14%, năm 2007 đạt 11,3%. Đặc biệt 6 tháng đầu năm nay, mặc dù giá cả quốc tế và trong nước có những biến động lớn, thiên tai dịch bệnh xảy ra nhiều, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân, nhưng kinh tế vẫn đạt tốc độ tưởng trưởng 8,3%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 7,9%, công nghiệp - xây dựng tăng 18,2%, dịch vụ tăng 11,5%, xuất khẩu tăng 6,5%, thu ngân sách tăng 28% so với cùng kỳ; các biện pháp về kiềm chế lạm phát của Chính phủ được triển khai nghiêm túc và bước đầu đã có kết quả; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo có chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và tăng cường. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương những kết quả mà Tỉnh đã đạt được.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, còn nhiều chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch; tiến độ đầu tư và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm và chưa vững chắc; đời sống nhân dân tuy được cải thiện, ổn định, nhiều mặt khá hơn trước nhưng vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2006-2010, trong thời gian tới, Tỉnh cần tiến hành sơ kết nửa nhiệm kỳ, đánh giá, khẳng định những kết quả đạt được để tiếp tục phát huy; những tồn tại, yếu kém, rà soát những chỉ tiêu còn đạt thấp, tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp phấn đấu thực hiện. Nhiệm vụ đặt ra cho những năm còn lại của nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm và 6 tháng cuối năm 2008 là rất nặng nề, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận phải cố gắng nhiều hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi để khai thác có hiệu quả cao nhất các tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong đó có lợi thế về điều kiện tự nhiên nhiều nắng, gió và tài nguyên biển để phát triển trong thời gian tới. Tỉnh cần chú ý làm tốt công tác quy hoạch, xác định cơ cấu kinh tế và cơ cấu trong từng ngành hợp lý, đặc biệt quan tâm đến phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ tạo giá trị gia tăng cao, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo việc làm, cải thiện và bảo vệ môi trường.

Trước mắt, từ nay đến cuối năm tiếp tục tập trung thực hiện tốt, đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch của năm 2008. Trong đó, tập trung thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những vướng mắc về thủ tục hành chính, đảm bảo đủ vốn lưu động cho phát triển sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, trong đó tập trung đẩy mạnh sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi; tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư và giải ngân vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; tiếp tục rà soát để đình hoãn, điều chỉnh, cắt giảm đầu tư, tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách theo quy định của Chính phủ để tập trung vốn cho các dự án, công trình cấp bách, sớm phát huy được hiệu quả; làm tốt công tác quản lý thị trường, giá cả, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng, lãi suất tín dụng, ngoại tệ, chống đầu cơ đẩy giá lên cao gây tâm lý hoang mang cho xã hội; quan tâm đến bảo đảm an sinh xã hội, trước hết là tổ chức thực hiện tốt những chính sách hiện có trợ giúp thiết thực cho những hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ gặp khó khăn do thiên tai dịch bệnh và giá cả tăng cao; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; chủ động ứng phó với những biến động bất thường của thời tiết, thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt, bão; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu kiện đông người, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội và ổn định đời sống nhân dân.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH:

1. Căn cứ Thông báo số 26/TB-VPCP ngày 06 tháng 02 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, hiện nay còn một số vấn đề chưa được giải quyết, thống nhất giải quyết như sau:

a) Đồng ý đưa du lịch Ninh Thuận vào Quy hoạch tuyến, điểm du lịch trọng điểm chung của cả nước. Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương hướng dẫn Tỉnh hoàn chỉnh đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Đồng ý bổ  sung quy hoạch cảng Cà Ná (Dốc Hầm) vào Quy hoạch cảng biển miền Trung; Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn chỉnh các thủ tục để trình duyệt bổ sung quy hoạch theo quy định. Lưu ý quy hoạch cảng Cà Ná phải gắn với việc phát triển đồng bộ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh để phát huy hiệu quả chung của các dự án đầu tư.

c) Đối với tuyến đường ven biển Bình Tiên - Vĩnh Hy, Phú Thọ - Mũi Dinh: đồng ý chủ trương cho đầu tư; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn và bố trí vốn, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

d) Về nguyên tắc, đồng ý chủ trương cho bổ sung Dự án thép, điện tại khu vực Dốc Hầm  - Cà Ná vào quy hoạch chung của cả nước. Giao Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm hoàn tất thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Riêng đối với Dự án thép: đồng ý chủ trương cho lập Dự án. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm thẩm định, đánh giá tác động môi trường; Tỉnh khẩn trương xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định để triển khai thực hiện Dự án. Đồng ý chuyển khoảng 400 ha đất làm muối khu vực dốc hầm Cà Ná để sử dụng cho Dự án thép; Tỉnh xem xét giao bổ sung khoảng 800 ha đất cho dự án muối Quán Thẻ để có 4.000 ha sản xuất muối tập trung, có sản lượng lớn đảm bảo muối lâu dài cho sản xuất công nghiệp và muối ăn; Tỉnh chủ trì, phối hợp với nhà đầu tư làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ cho dự án sản xuất muối Quán Thẻ.

đ) Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với các Bộ liên quan và tỉnh Ninh Thuận sớm hoàn thành thủ tục theo quy định để triển khai xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân theo quy hoạch.

e) Về vốn cho dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh: đồng ý cho tạm ứng trước vốn kế hoạch năm 2009 để triển khai thực hiện trong năm 2008. Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xử lý cụ thể; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng với Bộ Tài chính bố trí vốn kế hoạch năm 2009 cho Tỉnh để hoàn trả số tạm ứng. Từ năm 2009, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, đưa vào danh mục đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

f) Về vốn đối ứng ODA năm 2008 còn thiếu khoảng 40 tỷ đồng để triển khai 05 hồ thủy lợi nhỏ (Bầu Zôn, Phước Trung, Phước Nhơn, Cho Mo, Trà Co): đồng ý bố trí đủ vốn cho Tỉnh để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án vốn ODA. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất nguồn vốn, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

g) Đối với dự án Hồ chứa nước Bà Râu do trượt giá nên tổng mức đầu tư của Dự án từ 90 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng: đồng ý chủ trương bố trí đủ vốn để Tỉnh triển khai thực hiện Dự án. Trước mắt, cho tạm ứng 25 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2009 để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết tạm ứng cho Tỉnh; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí vốn kế hoạch năm 2009 cho Tỉnh để hoàn trả số vốn tạm ứng. Đối với số vốn còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn để hỗ trợ Tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Một số đề nghị bổ sung khác:

a) Đối với dự án Hệ thống thoát nước thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: đồng ý bố trí đủ vốn cho Tỉnh để thực hiện Dự án, đảm bảo hoàn thành vào cuối năm 2009. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

b) Đồng ý chủ trương tách huyện Ninh Phước thành 02 huyện: Thuận Nam và Ninh Phước. Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chia tách vào thời điểm cho phù hợp.

c) Việc khảo sát thăm dò khai thác Titan sa khoáng tại khu vực ven biển của Tỉnh cũng như một số tỉnh khác để làm sạch môi trường trước khi triển khai xây dựng các công trình hạ tầng. Tỉnh cần có phương án bảo vệ tốt nguồn tài nguyên quốc gia này, không được để mất mát, thất thoát; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai thăm dò, khảo sát báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

d) Đối với việc sử dụng nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp tỉnh để thành lập cho 2 quỹ (Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ đầu tư phát triển): Tỉnh triển khai thực hiện theo quy định hiện hành.

e) Đối với việc đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương cấp 2,3 để khai thác hiệu quả nước tưới hồ Sông Trâu, Tân Giang, Sông Sắt phục vụ nhu cầu tưới cho 3.700 ha đất canh tác, nhu cầu vốn cần khoảng 400 tỷ đồng: đồng ý chủ trương hỗ trợ để triển khai xây dựng từ năm 2009; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và phân kỳ đầu tư hợp lý để bố trí vốn, trình Thủ tướng Chính phủ quyết địn