In bài viết

Kết nối doanh nghiệp nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc

(Chinhphu.vn) - Bộ NN&PTNT cho biết, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác Bộ NN&PTNT vừa có buổi tọa đàm với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để kết nối doanh nghiệp nông lâm thủy sản hai nước. Tọa đàm có sự tham gia của đại diện các cơ quan chuyên môn, địa phương, doanh nghiệp đến từ 2 quốc gia.

31/05/2023 14:50
Kết nối doanh nghiệp nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc - Ảnh 1.

Trung Quốc vẫn đang có nhu cầu nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam - Ảnh minh họa

Hợp tác nông nghiệp không ngừng đạt được đột phá mới

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc đạt 14,2 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 10,4 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2021. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 3,7 tỷ USD, tăng hơn 19% so với năm trước đó.

Ông Đỗ Nam Trung, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, cho biết: "Năm nay, khi tình hình dịch bệnh không còn căng thẳng, giao thương giữa hai nước được dự báo sẽ phát triển hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ. Đầu tiên phải nhắc tới xu hướng giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và trên thế giới. Tình hình thông quan sau đại dịch vẫn chưa đạt được thông suốt như trước đó. Cuối cùng là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý hai bên trong tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp chưa được thông suốt, kịp thời".

Bà Hứa Cẩn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Tây khẳng định, những năm qua, hợp tác nông nghiệp giữa Quảng Tây và các địa phương của Việt Nam luôn ổn định, "không ngừng đạt được đột phá mới". Các triển lãm, hội chợ nông nghiệp Trung Quốc – ASEAN cũng đã tạo ra môi trường phát triển thuận lợi cho doanh nghiệp các bên.

Bà Hứa Cẩn cho biết, Quảng Tây là tỉnh nông nghiệp lớn của Trung Quốc, là vựa trái cây của quốc gia 1,4 tỷ dân. "Cứ 4 quả cam ngoài thị trường, thì có 1 quả đến từ Quảng Tây. Ngoài ra, hoa nhài, quả la hán, tơ tằm của Quảng Tây đứng thứ nhất Trung Quốc và thế giới. Cứ 10 bông hoa nhài được bán ra, thì có 6 bông của Hoành Châu, Quảng Tây. 85% quả la hán trên thế giới xuất phát từ Quế Lâm, Quảng Tây. 60% sản lượng tơ lụa ở Trung Quốc cũng từ Quảng Tây. Những điều này là cơ sở vững chắc cho sự hợp tác nông nghiệp giữa Quảng Tây với các địa phương của Việt Nam".

Về kỹ thuật nông nghiệp, Quảng Tây phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hưng Yên của Việt Nam về giống cây trồng, phối hợp với các tỉnh biên giới của Việt Nam xây dựng trạm kiểm soát dịch bệnh. Bà Hứa bày tỏ hy vọng cơ quan quản lý, doanh nghiệp hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau để phát triển hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp.

"Trong hợp tác nghề cá, Trung Quốc và Việt Nam đã nhiều lần phối hợp cùng nhau, thả hơn 300 triệu con giống thủy sản ở vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra, triển vọng hợp tác thương mại giữa hai nước cũng đang phát triển nhanh chóng. Sầu riêng, chuối, thanh long Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc rất yêu thích. Các nông sản này hầu như đều xuất phát từ các cửa khẩu Quảng Tây".

Bà Hứa Cẩn cho biết, ở chiều xuất khẩu sang Việt Nam, phía Trung Quốc hiện có thế mạnh về hành tây. Tỉnh Quảng Tây kỳ vọng thời gian tới sẽ đẩy mạnh xuất nhập khẩu, công nhận tiêu chuẩn nông sản hai bên, tăng nhanh thời gian thông quan.

Hiện tại, Công ty TNHH Vạn Xuyên, Quảng Tây đã xây dựng khu trình diễn trồng trọt, giới thiệu công nghệ nông nghiệp với Việt Nam. Ngành giống đang là hy vọng hợp tác phát triển với Việt Nam của doanh nghiệp Quảng Tây. Tỉnh này cũng sẵn sàng cùng các địa phương Việt Nam hợp tác trong cơ giới hóa nông nghiệp.

Công ty Kim Phúc, trồng thanh long ở Quảng Tây cho biết, sản lượng của công ty đạt 179 nghìn tấn/năm và có đầy đủ giấy chứng nhận chất lượng quốc tế. Kim Phúc cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Quảng Tây tự trồng và xuất khẩu được sang châu Âu và Hà Lan.

Hiện nay, Trung Quốc đã có thể tự trồng được thanh long nhưng về kinh nghiệm thì Việt Nam có nhiều hơn, quả cũng chín muộn hơn ở Quảng Tây. Do đó, đại diện của Kim Phúc mong muốn doanh nghiệp 2 nước hợp tác để cùng mở rộng thị trường; đồng thời được chia sẻ kinh nghiệm bảo quản, giữ tươi quả thanh long từ các doanh nghiệp Việt Nam và học hỏi cách xử lý các khó khăn trong khi xuất khẩu mặt hàng này.

Giới thiệu nhiều mặt hàng nông, thủy sản đến thị trường Trung Quốc

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết, diện tích thanh long của tỉnh vào khoảng 9.000 ha và sản lượng 250.000 tấn/năm.

Để đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ, hướng dẫn bà con canh tác theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc theo hướng hữu cơ. Riêng với mặt hàng này, tỉnh Long An đã có 270 mã số vùng trồng và 170 cơ sở đóng gói và kho hàng phục vụ xuất khẩu, trong đó thị trường Trung Quốc có khoảng 70 mã số vùng trồng.

Khó khăn hiện nay trong việc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc, theo ông Truyền là ở khâu vận chuyển. Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết, sẵn sàng làm cầu nối để liên kết các doanh nghiệp hai bên nhằm giảm bớt chi phí trung gian trong vận chuyển.

Liên quan đến các nông sản được xuất khẩu, ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long, địa phương có mặt hàng khoai lang tím vừa được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc cho biết, lúc cao điểm cả tỉnh có hơn 12 nghìn ha khoai lang tím với sản lượng 400.000 tấn/năm .

"Thời gian qua, Sở đã hỗ trợ bà con, HTX xây dựng các mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Qua buổi làm việc này, chúng tôi mong muốn phía Quảng Tây tiếp tục giúp đỡ để mặt hàng khoai lang tím có thể xuất khẩu thuận lợi hơn vào thị trường Trung Quốc", ông Lê Văn Dũng nói và cho biết, luôn sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp Trung Quốc muốn nhập khẩu nông sản này với vùng nguyên liệu của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau giới thiệu về thế mạnh thủy sản của tỉnh với phía Trung Quốc, trong đó tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác hằng năm vượt trên 640.000 tấn với khoảng 230.000 tấn tôm, 30.000 tấn cua.

"Thủy sản Cà Mau hiện đã xuất khẩu đi trên 90 quốc gia, vùng lãnh thổ. Riêng với Trung Quốc, tỉnh có khoảng 10 doanh nghiệp đang xuất khẩu thủy sản với kim ngạch khoảng 1,2 triệu USD mỗi năm", ông Nguyễn Văn Quân thông tin và kiến nghị phía Trung Quốc có thể xem xét mở thêm thị trường với cua Cà Mau vì hiện nay mặt hàng này vẫn chưa được xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt là với thị trường Quảng Tây.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhìn nhận: "Quảng Tây là cửa ngõ để nông sản Việt Nam đi vào Trung Quốc với kim ngạch 2 chiều chiếm tỉ trọng lớn. Do đó, 2 bên có thể cùng thúc đẩy nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng nông sản và hợp tác về khoa học, công nghệ trong thời gian tới".

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất Sở NN&PTNT Quảng Tây tạo điều kiện cho các trường đào tạo nghề của Bộ được phối hợp, thúc đẩy các chương trình hợp tác theo mục tiêu hợp tác khoa học nông nghiệp xuyên biên giới, phát huy các thành tựu khoa học của nông nghiệp, lâm nghiệp 2 nước.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị về hợp tác đào tạo, nâng cao trình độ tiếng Trung cho đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp Việt Nam, qua đó giúp việc trao đổi, học hỏi được thuận lợi hơn. Cùng với đó 2 bên có thể tạo điều kiện cho các trường thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Phát triển bền vững, là nơi ươm mầm sáng tạo cho các sinh viên ngành nông nghiệp của cả Việt Nam và Trung Quốc.

Liên quan thương mại nông sản, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi thông tin giữa bên nhằm tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa nông sản ở cửa khẩu.

Bên cạnh đó, 2 bên sẽ cùng làm việc để xây dựng những chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu nông sản bền vững, gắn với đầu tư các kho lạnh để đảm bảo chất lượng sản phẩm hay các cơ sở giết mổ, chế biến lớn ở khu vực biên giới.

Đỗ Hương