In bài viết

Kết nối tiêu thụ nông sản chất lượng cao của Lâm Đồng

(Chinhphu.vn) - Vừa qua, tại TPHCM, Sở Công Thương TPHCM, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản và nông sản chế biến của tỉnh Lâm Đồng vào hệ thống Co.opmart với sự tham gia của hơn 20 hợp tác xã nông nghiệp, đơn vị canh tác nông sản tại Lâm Đồng.

09/08/2019 15:00
Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đang góp phần phân phối ra thị trường với sức tiêu thụ mỗi năm trung bình hơn 20.000 tấn nông sản Đà Lạt. Ảnh: VGP/Minh Thi
Hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các hợp tác xã, nhà vườn đã là đối tác cung cấp hàng hóa cho hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, đồng thời đại diện nhà phân phối cũng hướng dẫn cụ thể các thông tin về quy trình, thủ tục để các hợp tác xã, nhà vườn nếu có thể đưa sản phẩm nông sản của mình vào kinh doanh tại siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food của Saigon Co.op.

Ở phương diện là cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Sở Công Thương TPHCM và Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã nêu rõ những chính sách, hoạt động mang tính quảng bá và kết nối hỗ trợ các hợp tác xã, nhà vườn tiêu thụ nông sản đầu ra, đồng thời cũng chia sẻ nhiều thông tin thị trường quan trọng giúp nhà vườn có định hướng trong sản xuất kinh doanh phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Theo ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, với đặc thù khí hậu và quy mô vùng đất nuôi trồng rộng lớn, hiện nay tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra thị trường được rất nhiều mặt hàng từ loại cây trồng, nông sản, cây công nghiệp… áp dụng công nghệ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Vì vậy, tỉnh nhà mong muốn kết nối nhiều hơn nữa các cơ sở sản xuất, nhà vườn cùa tỉnh nhằm đưa vào hệ thống siêu thị của Saigon Co.op thêm nhiều loại nông sản khác, hàng hóa khác.

Song song đó, tỉnh Lâm Đồng cũng luôn tuân thủ nghiêm ngặt và thường xuyên tổ chức các buổi kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó nâng cao chất lượng thực phẩm, hàng hóa qua từng năm để vừa thiết thực bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, vừa thiết thực bảo đảm uy tín thương hiệu nông sản Lâm Đồng.

Nhằm giúp các doanh nghiệp, nhà cung cấp dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị các thủ tục nhập hàng tiêu thụ, Saigon Co.op đã giới thiệu chi tiết về các điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình đầu vào đối với nông sản và nông sản chế biến khi đưa vào hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, cũng như đưa ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khi kinh doanh sản phẩm tại siêu thị.

Các băn khoăn của các đơn vị chưa có hàng hóa kinh doanh tại Saigon Co.op cũng được đại diện Sở Công Thương TPHCM và Saigon Co.op giải đáp và hướng dẫn cụ thể. Các nội dung liên quan đến giải pháp hàng tồn, giao hàng, giá cả, chiết khấu, thanh toán đều được Saigon Co.op cung cấp thông tin minh bạch và chi tiết.

Theo ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc Kinh doanh Saigon Co.op, hiện nay hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đang góp phần phân phối ra thị trường với sức tiêu thụ mỗi năm trung bình hơn 20.000 tấn nông sản Đà Lạt gồm các loại đặc sản và các loại rau củ quả cải, cà rốt, su hào, ớt chuông, các loại cà chua, bí ngòi, cần tây, khoai lang… cùng hơn 30 loại hoa tươi cắt cành, hoa chậu để bàn với sức mua hằng ngày khá tốt.

Do đó, Saigon Co.op sẽ luôn sẵn sàng tiếp nhận, hợp tác, hỗ trợ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà cung cấp, cơ sở sản xuất các mặt hàng nông sản, đặc sản, nhất là nông sản Việt. Với đặc tính là kênh mua sắm hiện đại có mạng lưới rộng khắp cả nước đang phát triển từng ngày, nhu cầu kinh doanh nông sản của Saigon Co.op rất cao.

Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng rất nỗ lực trong việc tìm kiếm nguồn hàng chất lượng cao để đưa vào kinh doanh trong siêu thị. Ngoài việc bán trực tiếp nông sản tại hơn 800 siêu thị lớn nhỏ tại Việt Nam, Saigon Co.op còn tham gia xuất khẩu một lượng lớn nông sản chất lượng cao qua thị trường Singapore, Nhật Bản.

Minh Thi