|
Đội mũ bảo hiểm đã trở thành thói quen đối với mọi người khi tham gia giao thông |
Có thể khẳng định sau một năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ đã đạt được những kết quả tích cực về nhiều mặt.
Trước hết, đây là thắng lợi của một quyết tâm chính trị, thể hiện sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các cấp trước vấn đề gây nhức nhối trong xã hội và thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước, đó chính là tình hình tai nạn giao thông và những thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra ngày càng nghiêm trọng.
Mặc dù, quy định đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông nhằm bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đã hơn một lần việc triển khai thực hiện chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, trong đó nguyên nhân quan trọng là sự quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn xã hội. Nhiều người nước ngoài có mặt tại Việt Nam được chứng kiến thời điểm thi hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông rất khâm phục về hiệu lực của quy định này.
Sáng 15/12/2007, chỉ sau một đêm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy ở Việt Nam đã trở thành hiện thực, nhất là ở các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhiều tuyến phố đạt 100% người đi mô tô, xe gắn máy đều đội mũ bảo hiểm. Điều đó cho thấy rõ sức mạnh của một chủ trương đúng khi đã trở thành quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của các giai tầng xã hội.
Hai là, qua một năm thực hiện đã khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, một giải pháp quan trọng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức thực hiện theo một lộ trình phù hợp nên đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ, góp phần làm giảm tai nạn giao thông và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra, nhất là về số người chết và số người bị chấn thương sọ não.
Công tác tuyên truyền, vận động được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Các cơ quan thông tin đại chúng, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội đã có nhiều cách làm hay, với nhiều hình thức rất đa dạng, nội dung phong phú phù hợp với từng đối tượng, nhất là số thanh niên, học sinh, sinh viên; đã trở thành tiêu chí để bình xét thi đua hằng năm hoặc tư cách của cán bộ, viên chức, nhân viên khi đến trụ sở làm việc của các cơ quan, đoàn thể…
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho mọi người chấp hành nghiêm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông thì công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định này của lực lượng Cảnh sát giao thông cũng được tăng cường.
Việc huy động lực lượng Công an xã, thị trấn tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở cơ sở, trong đó có nhiệm vụ phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định không đội mũ bảo hiểm ngay từ cơ sở đã đạt được kết quả tích cực khẳng định vị trí, vai trò của lực lượng Công an cơ sở trong việc thực hiện giải pháp quan trọng này của Chính phủ.
Năm 2008, các lực lượng Công an nhân dân đã phát hiện, xử lý phạt tiền hàng chục nghìn trường hợp vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, nộp kho bạc nhà nước hàng chục tỷ đồng, cảnh cáo nhắc nhở hàng chục nghìn trường hợp khác. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, lần đầu tiên trong cả 11 tháng năm 2008, tai nạn giao thông đều giảm cả 3 mặt (về số vụ, số người chết và số người bị thương) so với các tháng tương ứng của năm 2007.
Riêng tai nạn giao thông đường bộ giảm 1.486 người chết (giảm 12,86%), giảm 2.435 người bị thương (giảm 25,45%), số bệnh nhân do tai nạn giao thông giảm 17,2%, số người bị chấn thương sọ não giảm 24,8%, số bệnh nhân bị tử vong tại bệnh viện vì tai nạn giao thông giảm 5,9%. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thu thập, tử vong do tai nạn giao thông giảm 14%, chấn thương sọ não giảm 16%.
|
Việc chấp hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông |
Ba là, việc chấp hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Qua tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông một năm qua cho thấy những người chấp hành nghiêm quy định về đội mũ bảo hiểm thường chấp hành tốt các quy định khác của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng hay tham gia đua xe trái phép.
Như vậy, thực tiễn chứng minh đội mũ bảo hiểm còn là sự nhắc nhở việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông.
Bốn là, ý thức đội mũ bảo hiểm khi mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông đã và đang trở thành thói quen của mọi người dân, bước đầu hình thành văn hóa giao thông Việt Nam trong thời đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Đã không ít người vì một lý do nào đó, có lần đi mô tô, xe gắn máy quên không đội mũ bảo hiểm đã cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ và lạc lõng khi hòa chung dòng người trên đường đều đội mũ bảo hiểm. Mặc dù, Việt Nam là một trong số quốc gia cuối cùng thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm nhưng hiện nay tỷ lệ người đội mũ bảo hiểm cao hơn một số nước tiên tiến đã thực hiện từ khá lâu, một số chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam đều bộc lộ sự thán phục và chúc mừng Việt Nam đã thực hiện thành công quy định đội mũ bảo hiểm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục để tiếp tục duy trì nét văn hóa mới của người Việt Nam khi đi mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông; như: do nhiều nguyên nhân, còn một bộ phận chưa chấp hành nghiêm hoặc chấp hành theo cách đối phó, không tự giác; các lực lượng chức năng chưa đủ sức kiểm soát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm, kể cả chất lượng của mũ bảo hiểm; cá biệt một số nơi việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông gần đây có dấu hiệu chùng xuống.
Vì vây, đồng thời với việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền vận động, cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Tiếp tục đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền, huy động lực lượng Công an xã, thị trấn và các lực khác phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tham gia phát hiện, xử lý vi phạm quy đội mũ bảo hiểm, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, từng bước kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông theo yêu cầu Nghị quyết số 32 của Chính phủ đã đề ra./.
Trung tướng, PGS.TS Trần Đại Quang