Tại tọa đàm "Công tác thông tin, truyền thông về hoạt động sở hữu trí tuệ", tổ chức ngày 15/1, ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết, năm 2024, mặc dù có nhiều thay đổi về cơ chế tài chính và mô hình tổ chức, Cục Sở hữu trí tuệ đã nỗ lực thực hiện được khối lượng công việc rất lớn, khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước.
Năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 152.619 đơn các loại. Cục đã xử lý được 143.288 đơn (tăng 13,9% so với năm 2023), bao gồm: 87.048 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 17,4%) và 56.240 đơn/yêu cầu khác (tăng 8,8%); cấp 53.674 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (tăng 45,2% so với năm 2023).
Năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các Quy chế thẩm định đơn sở hữu công nghiệp. Đồng thời, triển khai xây dựng pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với đề mục sở hữu trí tuệ và hoàn thành việc sửa đổi và ban hành các mẫu văn bản trong quá trình xử lý đơn sở hữu công nghiệp theo quy định của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN (tổng cộng 282 mẫu văn bản).
Cục cũng đã góp ý kiến cho 38 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo điều hành, gồm: 4 Luật, 15 Nghị định, 10 Thông tư, 9 Chương trình, Quyết định có nội dung về sở hữu trí tuệ; thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung về hoặc có liên quan đến sở hữu trí tuệ và kiến nghị xử lý vướng mắc, xử lý hiệu lực; thường xuyên hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ được duy trì, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước, của Bộ KH&CN nói chung và của Cục nói riêng.
Tuy nhiên, Cục Sở hữu trí tuệ vẫn gặp nhiều khó khăn khi hạ tầng công nghệ thông tin vận hành chưa ổn định, tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, thiếu nhân lực...
Phát biểu tại tọa đàm, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long nhấn mạnh những phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Trong đó có việc tham mưu xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; tiếp tục hoàn thiện Đề án kiện toàn các đơn vị và nhân lực thuộc Cục theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có giải pháp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao và có cơ chế khuyến khích người lao động...
"Chúng tôi đặc biệt chú trọng đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động; tăng cường xử lý đơn sở hữu công nghiệp, rà soát, sửa đổi, xây dựng các quy chế thẩm định đơn sở hữu công nghiệp, theo hướng tối ưu hóa quy trình, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong xử lý đơn", ông Lưu Hoàng Long nói.
Trong đó, Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng và triển khai Kế hoạch xử lý đơn sở hữu công nghiệp nhằm thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội, hướng đến năm 2026 đưa thời gian thẩm định đơn về đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Cục cũng sẽ tăng cường quản lý nhà nước về công tác phát triển tài sản trí tuệ; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và Kế hoạch phối hợp hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài và các Chương trình quốc gia khác. Đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ.
Với những kết quả đã đạt được và giải pháp đồng bộ trong thời gian tới từ thể chế, con người, hạ tầng, cơ sở vật chất,... Cục Sở hữu trí tuệ kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng tầm vị thế trong khu vực và trên thế giới.
Hoàng Giang