In bài viết

Khắc phục bất cập trong xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật

(Chinhphu.vn) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.

29/05/2023 14:45
Cần thiết xây dựng Nghị định mới về xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật - Ảnh 1.

Năm 2016, đã có 18 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" và 95 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước tặng "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ về "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP ngày 01/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP được ban hành đã mang lại hiệu lực, hiệu quả trong công tác xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước", cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức được 02 đợt xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật:

Đợt 1: Năm 2016, đã có 18 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" và 95 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước tặng "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật.

Đợt 2: Năm 2021, có 16 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước tặng, truy tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" và 112 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước tặng, truy tặng "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật.

Các tác phẩm, cụm tác phẩm văn học, nghệ thuật của các tác giả (đồng tác giả) được tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" đã góp phần tạo nên sức lan toả sâu rộng đối với toàn xã hội, có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, đóng góp vào thành tựu chung của nền văn học, nghệ thuật nước nhà, góp phần động viên, khích lệ lớp trẻ say mê lao động sáng tạo nghệ thuật, tạo ra nhiều công trình, tác phẩm có giá trị lớn đối với đời sống xã hội và phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Các văn nghệ sĩ được trao giải thưởng thấy tự hào và vinh dự vì những đóng góp của mình cho nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

Ngày 15/6/2022, Quốc hội ban hành Luật Thi đua, khen thưởng 06/2022/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Về xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước", Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có nội dung thay đổi như: "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân (bao gồm cả người nước ngoài) có tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định và Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Vì vậy, cần xây dựng những quy định mới, phù hợp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 bổ sung và hoàn thiện những quy định hiện hành quy định tại Nghị định số 90/2014/NĐ-CP và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP.

Ngoài ra, quá trình xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" cho thấy còn những bất cập như: trong lĩnh vực điện ảnh "phim kết hợp nhiều loại hình" theo quy định của Luật Điện ảnh năm 2022 chưa được đưa vào để xét tặng giải thưởng. Mặt khác, về đối tượng, quy trình, thủ tục xét tặng còn trùng lặp, chưa khoa học, một số nội dung cần lược bỏ hoặc bổ sung như kịch bản được dựng thành phim và được công chiếu, kịch bản múa, kịch bản sân khấu được dàn dựng và công diễn, họp báo tại mỗi cấp Hội đồng, chưa quy định cơ quan thường trực Hội đồng cấp cơ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng con dấu của đơn vị trong thực hiện một số hoạt động của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng ủy quyền; một số quy định còn lặp lại quy định của Luật thi đua, khen thưởng hiện hành chưa bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như nguyên tắc xét tặng, thời gian xét tặng và công bố "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước".

Từ những lý do nêu trên, để triển khai thi hành hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và bảo đảm quy trình, thủ tục xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 90/2014/NĐ-CP và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP là cần thiết.

Nội dung cơ bản của dự thảo

Nội dung dự thảo Nghị định được chia thành 5 chương 20 điều, trong đó quy định về đối tượng xét tặng hoặc truy tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật cho các tác giả, đồng tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình thuộc các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học và văn nghệ dân gian.

Dự thảo quy định về nguyên tắc xét tặng, thẩm quyền tổ chức xét tặng, công bố giải thưởng, quyền và nghĩa vụ của tác giả có tác phẩm, công trình được tặng giải thưởng, kinh phí xét tặng và tiền thưởng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật.

Dự thảo dành riêng chương II để quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật.

Theo dự thảo, Hội đồng xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật được thành lập ở từng cấp, theo từng lần xét tặng, bao gồm: Hội đồng cấp cơ sở; Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và Hội đồng cấp Nhà nước. 

Hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng hoặc truy tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật của 03 cấp Hội đồng cũng được quy định cụ thể. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định chi tiết về quyền tác giả để có căn cứ giải quyết những nội dung liên quan đến vấn đề đồng tác giả.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Hoa Hoa