Ngày 20/1/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (Pháp lệnh số 09).
Pháp lệnh số 09 có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong thực tiễn đời sống chính trị, pháp lý của đất nước, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 và thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người.
Cần được sửa đổi toàn diện để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
Trình bày Tờ trình về dự án Pháp lệnh, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, sau hơn 8 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh số 09 đạt được những kết quả quan trọng trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, là công cụ hữu hiệu để tòa án xem xét, quyết định đưa người vi phạm pháp luật chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc được kịp thời, đúng đối tượng, đúng pháp luật; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị, góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh số 09 vẫn còn một số hạn chế và bất cập đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành Pháp lệnh này.
Gần đây, ngày 13/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó sửa đổi bổ sung nhiều quy định có liên quan đến áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Đặc biệt, việc cho phép áp dụng biện pháp thay thế xử lý hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng đối với người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Bên cạnh đó, ngày 24/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thông qua Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Pháp lệnh số 01), có tính tương đồng với Pháp lệnh số 09. Pháp lệnh số 01 có nhiều quy định mới, tiến bộ mà Pháp lệnh số 09 hiện hành chưa có.
Dự thảo Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (sửa đổi) được xây dựng với bố cục gồm 5 chương, 44 điều, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; quy định về hiệu lực thi hành của Pháp lệnh và điều khoản chuyển tiếp…
Thẩm tra về dự án Pháp lệnh này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Pháp lệnh 09.
"Về phạm vi sửa đổi, bổ sung dự thảo Pháp lệnh, đa số ý kiến đề nghị sửa đổi toàn diện Pháp lệnh 09 để khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thi hành với những lý do nêu tại Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao", bà Lê Thị Nga cho hay.
Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với dự thảo Pháp lệnh bổ sung một số quy định có tính chất thân thiện như: Nguyên tắc giải quyết vụ việc đối với người chưa thành niên phải bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phải bảo đảm yêu cầu như phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.
Dự án Pháp lệnh đủ điều kiện thông qua
Thảo luận tại phiên họp, ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án Pháp lệnh được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, chất lượng về nội dung và đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp lần này.
Nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng và ban hành Pháp lệnh, nhiều ý kiến nhất trí về tên gọi của pháp lệnh là "Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND (sửa đổi)" bởi phạm vi sửa đổi là toàn diện.
Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung lớn của Pháp lệnh về: Quy định chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên; hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của pháp lệnh; thủ tục thân thiện khi xử lý vụ việc đối với người chưa thành niên; thẩm quyền của tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng;…
Sau nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến sâu sắc đóng góp vào dự án Pháp lệnh do TAND Tối cao trình; cho rằng hồ sơ dự án Pháp lệnh đã được chuẩn bị đầy đủ, cụ thể, bảo đảm đúng quy định, đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành thông qua Pháp lệnh nói trên./.
Nguyễn Hoàng