Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên - Ảnh: VGP/Hương Thơm |
Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết tính đến 18 giờ ngày 16/11 trên địa bàn tỉnh đã có 8 người chết, 4 người mất tích và 15 người bị thương; 32 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 82 nhà tốc mái; 5 trạm Y tế bị hư hỏng nặng; 725 ha đất canh tác bị sa bồi, thủy phá; 200 ha lúa và 1.400 ha cây công nghiệp ngắn ngày bị ngập úng; 234 ha rau màu bị thiệt hại; 35 ha cây keo bị đổ; 9.500 tấn lương thực bị ướt; hơn 20.800 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; 1 cây cầu bị sập; 9 cây cầu bị hư hỏng, 03 tàu thuyền bị cuốn trôi; 40 trụ điện hạ thế bị ngã đổ... Hiện 50 điểm quốc lộ, 13 tuyến tỉnh lộ bị ngập. Các tuyến giao thông tại các huyện Trà Bồng, Tây Sơn, Sơn Hà, Ba Tơ bị sạt lở nhiều và hết sức nghiêm trọng tại nhiều điểm gây ách tắc giao thông. 120 hồ chứa thủy lợi và công trình thủy điện đang khai thác và chuẩn bị khai thác đều tràn tự do.
Đến chiều tối 16/11, lũ trên các sông trong tỉnh Quảng Ngãi đang xuống chậm; nhiều vùng hạ du các sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu đang còn bị ngập trong nước. Tại nhiều huyện nước ngập còn sâu, nhiều vùng còn bị chia cắt
Ngay trong ngày 16/11, UBND tỉnh đã thành lập 05 đoàn cứu hộ và hỗ trợ khẩn cấp các vùng dân cư còn bị cô lập; tổ chức kiểm tra, theo dõi các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là các hồ bị hư hỏng.
Các lực lượng vũ trang (Quân sự, Biên phòng, Công an) đã triển khai lực lượng giúp di dời dân; phân công trực tại các tuyến đường bị ngập, các ngầm, tràn để hướng dẫn người dân và phương tiện tham gia giao thông. Cấm người và phương tiện qua lại trên các tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết.
![]() |
Đến 17h chiều 16/11, toàn tuyến đường sắt qua miền Trung đã chính thức được thông tuyến trở lại - Ảnh: VGP/Hồng Hạnh |
Do mưa lũ kéo dài mấy ngày qua làm nước chảy xiết tràn qua tuyến đường sắt đã gây xói lở cục bộ và sạt lở vai đường khiến một số điểm không đảm bảo an toàn khi tàu đi qua. Từ 20h tối 15/11, ngành Đường sắt Việt Nam đã khẩn cấp dừng tất cả các đoàn tàu nhằm đảm bảo an toàn và khắc phục sự cố hư hỏng trên tuyến đường sắt ngang qua địa bàn miền Trung.
Cụ thể, mưa lũ đã làm sạt lở các điểm tại 3 tỉnh Thừa Thiên-Huế: Văn Xá, km 712 (Truồi); Quảng Ngãi: km 944 (Mộ Đức), km 984 (Sa Huỳnh) và Bình Định: km 1082, km 1084, km 1085.
Khi có dấu hiệu nước rút dần, các đơn vị ngành đường sắt miền Trung đã khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện tập trung sửa chữa những chỗ hư hại.
Ông Đặng Sĩ Mạnh, Trưởng đại diện Đường Sắt Việt Nam tại Đà Nẵng, cho biết đến 17h chiều 16/11, toàn tuyến đường sắt qua miền Trung đã chính thức được thông tuyến trở lại, 7 tàu với hơn 2300 hành khách đã được tiếp tục hành trình.