In bài viết

Khắc phục những bất cập trong điều tra doanh nghiệp 2021

(Chinhphu.vn) - Trong Tổng điều tra kinh tế 2021, điều tra doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng, kết quả thu thập được sử dụng phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp của quốc gia, từng địa phương, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp, HTX.

01/03/2021 06:00
Khâu thu thập thông tin doanh nghiệp được thực hiện bằng phương pháp điều tra trực tuyến. Ảnh minh họa

Tổng cục Thống kê cho biết, điều tra doanh nghiệp năm 2021 diễn ra khi dịch COVID-19 còn phức tạp, nhất là ở một số địa phương có dịch. Vì vậy, với yêu cầu chung của Tổng điều tra, việc điều tra doanh nghiệp có thể gặp một số khó khăn nhất định.

Những năm trước đây, điều tra doanh nghiệp được thực hiện theo hình thức điều tra gián tiếp hoặc trực tiếp bằng bảng hỏi giấy; điều tra viên liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để thu thập thông tin tại chỗ hoặc gửi bảng hỏi bằng giấy để doanh nghiệp trả lời.

Từ năm 2020, phương án điều tra doanh nghiệp đã có sự thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Đó là ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích dữ liệu điều tra doanh nghiệp. Theo đó, khâu thu thập thông tin được thực hiện bằng phương pháp điều tra trực tuyến, doanh nghiệp cung cấp thông tin vào bảng hỏi điện tử trên website. Đây là bước cải tiến đột phá tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin, tiết kiệm thời gian, công sức.

Một khó khăn khác do doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên hạ tầng công nghệ thông tin chưa thực sự được đầu tư tốt, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ. Do đó sẽ có những doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện để điền thông tin trực tuyến trên trang thông tin điện tử của điều tra doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc tuyển chọn điều tra viên đáp ứng yêu cầu cũng là một khó khăn do phiếu điều tra doanh nghiệp 2021 có nhiều nội dung chuyên sâu, yêu cầu điều tra viên phải có kiến thức am hiểu về kinh tế, thống kê, kế toán và sử dụng thành thạo máy tính.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, ngoài việc tuyên truyền sớm cuộc điều tra, ngành thống kê đã triệt để áp dụng công nghệ thông tin trong thống kê (điều tra trực tuyến) để thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, ngành thống kê tiếp tục nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để hạn chế thấp nhất sự quá tải hoặc gián đoạn của hệ thống khi hoạt động.

Với các điều tra viên, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức tốt công tác tập huấn nghiệp vụ, nội dung tập huấn cần có trọng tâm, trọng điểm để giúp điều tra viên nắm bắt tốt nhất các nội dung của phiếu hỏi và quy trình thực hiện trên phần mềm thu thập thông tin.

Trong quá trình điều tra, điều tra viên cần thường xuyên liên hệ với doanh nghiệp để hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp trong quá trình điền thông tin phiếu điều tra trực tuyến.

Nếu doanh nghiệp không có đủ điều kiện để điền thông tin trực tuyến, điều tra viên cần gửi phiếu giấy và hướng dẫn doanh nghiệp điền vào phiếu và gửi phiếu giấy có dấu hoặc chữ ký số xác nhận.

Với những doanh nghiệp không hợp tác cung cấp thông tin, điều tra viên cần báo cáo ngay với Tổ thường trực, Ban Chỉ đạo để có các phương án xử lý phù hợp.

Để công tác thu thập thông tin được bảo đảm an toàn, bảo mật, ổn định và thông suốt trong thời gian điều tra, Tổng cục Thống kê tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin (đường truyền mạng, máy chủ, dung lượng lưu trữ, thiết bị bảo mật…), tiến hành thử tải cho hệ thống để có đánh giá về mức độ đáp ứng của hệ thống trong thực tế triển khai thu thập thông tin.

Theo Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 nói chung và điều tra doanh nghiệp năm 2021 nói riêng là cuộc điều tra phức tạp. Do đó cần có sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ngành để cuộc điều tra diễn ra thành công, cung cấp được số liệu tốt nhất phục vụ Đảng, Nhà nước và địa phương trong công tác chỉ đạo điều hành nền kinh tế./.

Thanh Xuân