Ngày 22/7, một kỹ sư của tổ sửa chữa một nhà máy điện ở Nghệ An đăng nội dung sau trên Facebook: “Đê Mường Mộc cách Nậm Mô 90 cây sắp vỡ, khả năng thị trấn Mường Xén xóa sổ trong đêm nay. Anh em di dời đi còn kịp. Lưu lượng về qua thủy điện Nậm Mô 1.200m3/s, tăng gấp đôi lúc chiều. Đường vào bản Cánh ngay lúc này đã biến mất khỏi tầm nhìn”.
Thông tin đăng tải đúng thời điểm nước lũ dâng cao, thủy điện Nậm Mô đã xả lũ, khiến nhiều người dân hoang mang.
Kỹ sư này đã bị UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng.
Tiếp đó, 9h ngày 31/8, lúc Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ với lưu lượng lớn 4.200 m3/s, một nhóm người đã phát tán thông tin qua mạng xã hội Facebook về việc "Thủy điện Bản Vẽ bị vỡ đập" khiến rất nhiều người lo sợ, bỏ chạy lên núi lánh nạn.
Công an huyện Tương Dương (Nghệ An) đã triệu tập 6 người tung tin đồn thất thiệt trên.
Nạn tin đồn thất thiệt phát tán trên mạng xã hội đã xuất hiện trong vài năm gần đây.
Điển hình là ngày 6/11/2017, xuất hiện tin đồn vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) khiến hàng ngàn, hàng vạn người dân của huyện ùn ùn kéo nhau về trụ sở UBND huyện gây sức ép cho chính quyền địa phương, dù chính quyền địa phương địa phương đã khẳng định không có tình trạng vỡ đập như tin đồn.
Thực tế, tình trạng tung tin đồn đã xuất hiện từ rất lâu trong đời sống. Tuy nhiên, thời gian trước, tin đồn chỉ xuất hiện và lan truyền dưới dạng lời nói người nọ rỉ tai người kia và bàn tán ở vỉa hè, đầu làng cuối phố.
Những tin đồn này, hầu hết không có khả năng lan quá xa, đồng thời dưới dạng truyền miệng không có gì xác thực nên cũng không gây ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Bên cạnh đó vì “khẩu thiệt vô bằng” việc truy nguyên người tung tin đồn cũng không hề đơn giản.
Tuy nhiên cùng với mạng xã hội thì mọi chuyện không còn đơn giản như trước. Với tốc độ lan truyền chóng mặt, cùng với việc những người tung tin đồn có thể dàn dựng những tấm ảnh, đoạn băng để có vẻ thêm đáng tin, tin đồn có thể tác động mạnh và lan rộng trong cộng đồng. Và cũng chính vì thế, tác hại của nó đã trở nên rõ ràng trong nhiều trường hợp cụ thể.
Nhưng cũng do đặc tính trên mạng xã hội, việc truy tìm người phát tán tin đồn trở nên khả thi. Từ đây cơ quan chức năng có thể triệu tập, xử lý người tung tin đồn theo quy định của pháp luật.
Trong thực tế, tin đồn gần như xuất hiện hàng ngày trên mạng xã hội, tuy nhiên hầu hết là những tin vu vơ, mang tính cá nhân hoặc chỉ khu biệt trong phạm vi một nhóm nhỏ. Chỉ những tin đồn gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng mới thực sự khiến nhiều người chú ý. Và hầu hết đó là những tin đồn lợi dụng những tình thế cấp thiết như bão lũ thiên tai, dịch bệnh…
Người xưa thường nói: “Lời đồn đến kẻ khôn là hết” nhằm cảnh tỉnh những người tiếp nhận những tin đồn, cần có sự phân tích, thẩm định của bản thân và trong đa số trường hợp với những người hiểu biết, họ sẽ “lật tẩy” những yếu tố phi lý trong tin đồn.
Tuy nhiên, đó là với những tin đồn dạng “cổ điển” chỉ là truyền miệng. Ngày nay với những kỹ xảo của công nghệ, cùng với những diễn biến nhanh của thiên tai, nhiều người khó lòng trong khoảng thời gian ngắn có thể nhận định tính đúng sai thật giả của một tin đồn.
Qua những vụ việc cơ quan chức năng làm việc với những người tung tin đồn, hầu hết họ chỉ có một động cơ, đó là muốn gây sự chú ý.
Tâm lý thích được nổi tiếng, thích gây sự chú ý với người khác ít nhiều đều có trong tâm lý mỗi người. Tuy nhiên gây chú ý bằng việc tung những tin đồn thất thiệt, đặc biệt trong những tình thế cấp thiết, khiến nhiều người hoang mang lo lắng, đảo lộn cuộc sống thì rõ ràng là hành động trái đạo đức cũng như pháp luật.
Ngoài việc xử lý nghiêm những người tung tin đồn, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, các cơ quan chức năng cần tăng cường cung cấp những thông tin chính thống, đầy đủ và kịp thời đến người dân. Những thông tin này, ngay lập tức sẽ trấn an dư luận và vô hiệu hóa những tin đồn thiếu căn cứ. Đó cũng chính là góp phần xây dựng cơ quan hành chính minh bạch, năng động, trách nhiệm, hiện đại…
Quang Lê