Ông Lưu Chí Thịnh (TPHCM) vay trả góp trong 18 kỳ từ Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng. Ông đã trả góp được 8 kỳ, trong đó có 3 kỳ trả trễ 1 ngày, 1 kỳ trả trễ 3 ngày và 1 kỳ trả trễ 4 ngày.
Ngoài ra, ông cũng nợ thẻ tín dụng của Công ty Tài chính TNHH MTV Homecredit Việt Nam là 5 triệu đồng, hạn mức thẻ là 10,6 triệu đồng, nhưng không phải là nợ quá hạn.
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) thì ông có điểm tín dụng là 383 và mức độ rủi ro là 8.
Ông Thịnh hỏi, theo báo cáo của CIC trường hợp của ông có chính xác không? Làm thế nào thì ông mới có thể xóa nợ xấu để có thể vay vốn kinh doanh?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:
Khách hàng Lưu Chí Thịnh có điểm tín dụng 383 tương ứng mức độ rủi ro 8/11 (từ mức 9 đến 11 là mức độ rủi ro cao). Khách hàng có quan hệ tín dụng với nhiều (04) tổ chức tín dụng; có lịch sử nợ quá hạn tại 05 tổ chức tín dụng nên điểm tín dụng và mức độ rủi ro mà CIC cung cấp hoàn toàn hợp lý.
Việc cung cấp điểm tín dụng và mức độ rủi ro giúp khách hàng có thể tự kiểm tra thông tin và đánh giá khả năng tiếp cận tín dụng của bản thân để có kế hoạch về tài chính nhằm hạn chế xẩy ra nợ quá hạn/nợ xấu trong tương lai.
Vì vậy, để cải thiện và duy trì điểm tín dụng ở mức cao, CIC khuyến nghị khách hàng nên thực hiện các điều sau:
- Tạo thói quen kiểm soát khoản vay, khoản chi tiêu của mình thường xuyên, bảo đảm thanh toán đầy đủ, đúng hạn để tránh phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu; khi có khoản nợ quá hạn lâu ngày, cần tập trung thanh toán dứt điểm;
- Chỉ vay ngân hàng và thêm thẻ tín dụng khi thật cần thiết, bảo đảm phù hợp với khả năng tài chính của bản thân;
- Nên duy trì dư nợ thẻ tín dụng ở mức thấp so với hạn mức;
- Thực hiện kiểm tra điểm tín dụng thường xuyên trên CIC để hạn chế sai sót dữ liệu thông tin tín dụng cá nhân.