Theo Trung tâm Thông tin Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), du lịch Việt Nam đang bước vào mùa cao điểm du lịch nội địa, tuy nhiên lượng khách quốc tế vẫn duy trì ở mức tốt, đạt trên 1,5 triệu lượt trong tháng này. Đặc biệt, tổng lượng khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm nay cao hơn 3,9% so với thời điểm trước dịch, cho thấy sự phục hồi và phát triển rất tốt của thị trường du lịch Việt Nam.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với 1,6 triệu lượt (chiếm 25,8%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,25 triệu lượt (chiếm 20%), tiếp theo là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) ở vị trí thứ 3 (418 nghìn lượt), Mỹ ở vị trí thứ 4 (301 nghìn lượt), Nhật Bản ở vị trí thứ 5 (235 nghìn lượt).
Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Malaysia (181 nghìn lượt), Australia (180 nghìn lượt), Thái Lan (163 nghìn lượt), Ấn Độ (158 nghìn lượt), Campuchia (155 nghìn lượt).
Về động lực tăng trưởng, châu Á là khu vực dẫn đầu với mức tăng 77,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính: Trung Quốc (+394,9%), Hàn Quốc (+49,6%), Nhật Bản (+47,2%)...
Bên cạnh đó, các thị trường Đông Nam Á tăng trưởng tốt, như Indonesia (+140,1%), Philippines (+51,8%), Malaysia (+21,4%), Campuchia (+14,9%), Singapore (+10,0%). Chỉ có thị trường Thái Lan giảm 18%. Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng (+41,1%); Australia tăng 37,8%.
Các thị trường châu Âu tiếp tục tăng trưởng mạnh (+63,8%) nhờ vào hiệu quả từ chính sách thị thực thông thoáng được áp dụng từ 15/8/2023. Hầu hết các thị trường đều rất khả quan, trong đó có các thị trường chính như Anh (+35,2%), Pháp (+41,7%), Đức (+36,9%). Bên cạnh đó, Italy (+77,4%), Tây Ban Nha (+48,5%), Nga (+74,0%), Thụy Điển (+37,9%), Thụy Sĩ (+31,8%), Đan Mạch (+40,3%), Bỉ (+36,6%), Na Uy (+39,8%)…
Diệp Anh