- Cách 1: Bệnh viện xuất hóa đơn trả, biên bản, hàng cho Công ty (nhưng vì bệnh viện là đơn vị hành chính sự nghiệp nên không có hóa đơn xuất trả, do đó cách này không thực hiện được).
- Cách 2: Bệnh viện trả lại hóa đơn của Công ty đã xuất, biên bản, hàng để Công ty xuất lại hóa đơn mới cho 2 sản phẩm mà bệnh viện đã sử dụng hết. Nhưng bệnh viện trả lời, do trên hóa đơn có 2 sản phẩm mà bệnh viện đã nhập vào phần mềm để cấp phát cho bệnh nhân và đã sử dụng hết nên không thể trả hóa đơn Công ty đã xuất lại được.
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty cổ phần Dược phẩm Minh Dân hỏi, ngoài 2 cách trên còn có cách nào khác về việc thủ tục trả hàng và xử lý hóa đơn chứng từ khi đã xuất hàng cho các cơ sở y tế không?
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Tại Khoản 3; Khoản 4, Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:
“3. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).
4. Hướng dẫn xử lý đối với hóa đơn đã lập trong một số trường hợp cụ thể thực hiện theo Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này”.
Tại Điểm 2.8 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:
“2.8. Tổ chức, cá nhân mua hàng hoá, người bán đã xuất hoá đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hoá không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hoá, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hoá đơn, trên hoá đơn ghi rõ hàng hoá trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT (nếu có).
Trường hợp người mua là đối tượng không có hoá đơn, khi trả lại hàng hoá, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hoá, số lượng giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hoá đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hoá đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập”.
Ngày 23/12/2015, Bộ Tài chính đã có Công văn số 19145/BTC-TCT hướng dẫn về sử dụng hoá đơn đối với hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở y tế công lập.
Theo đó, từ ngày 1/6/2016, các cơ sở y tế công lập khi thực hiện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh thì sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010; Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014 của Chính phủ và Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.
Căn cứ các quy định, hướng dẫn nêu trên, đề nghị Công ty trình bày rõ lý do tại sao Bệnh viện chỉ có nhu cầu sử dụng 2 sản phẩm nhưng Công ty lại xuất cho Bệnh viện 3 sản phẩm và sẽ trả lại 1 sản phẩm, kèm theo hồ sơ, tài liệu cụ thể và liên hệ với Cục Thuế thành phố Đà Nẵng để được hướng dẫn thực hiện.