Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Tham dự và chỉ đạo Đại hội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Đặc biệt, thu hút đầu tư tăng mạnh, riêng Khu kinh tế Vũng Áng thu hút 49 dự án với 17 tỉ USD, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 44 triệu đồng/người/năm (vượt chỉ tiêu Đại hội XVII đề ra là 35 triệu), tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 5%, thấp hơn mức bình quân cả nước.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả thiết thực, quốc phòng-an ninh được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Vui mừng trước những thành tựu đã đạt được của Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh cần nhận thấy rõ những yếu kém, hạn chế. Đó là, một số lĩnh vực phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, quy mô doanh nghiệp địa phương còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực như đất đai, khoáng sản, xây dựng cơ bản còn hạn chế...
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị Đại hội cần tập trung thảo luận, phân tích rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để đề ra giải pháp khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Theo Phó Thủ tướng, tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng sớm trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển lớn của cả nước, khu vực và quốc tế. Tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng thị xã Kỳ Anh trở thành thành phố công nghiệp, coi đây là khâu đột phá, tạo động lực để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách. Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ lớn phía Tây của tỉnh, thúc đẩy kinh tế biên mậu, đẩy nhanh quá trình hội nhập, tạo sức lan tỏa cho khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.
Phó Thủ tướng gợi mở Đại hội cần thảo luận về phát triển nông nghiệp đa chức năng, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực mà tỉnh có thế mạnh.
Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các hoạt động công nghiệp của Khu kinh tế Vũng Áng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, coi đó là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với phát triển kinh tế, cần quan tâm đến phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Hà Tĩnh cần tăng cường công tác quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh quốc phòng trong tình hình mới, chủ động phòng chống tội phạm, làm tốt công tác tiếp dân, khiếu nại và tố cáo, không để hình thành “điểm nóng” phức tạp, kéo dài.
Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh cần tăng cường công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ. Đó là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), khắc phục tư tưởng nóng vội, chủ quan, thỏa mãn. Đổi mới hơn nữa phương thức và nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên.
Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Báo cáo Chính trị của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nhiệm kỳ qua, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã tập trung lãnh đạo, đề ra nhiều giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị. Nắm bắt, đánh giá sát, đúng tình hình thực tiễn, kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tập trung 3 mũi đột phá chiến lược, 5 chương trình lớn; vừa kịp thời giải quyết những nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa bảo đảm tầm chiến lược lâu dài.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, BCH Đảng bộ tỉnh đã có nhiều đổi mới, đạt kết quả cao và toàn diện, nhất là trong công tác quy hoạch, thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Nghị quyết số 08-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, chú trọng xây dựng nông thôn mới; đồng thời, có nhiều giải pháp phát triển thương mại-dịch vụ. Nhờ đó, thu ngân sách đạt kết quả nổi bật (năm 2015 đạt trên 15.000 tỉ, tăng 7,6 lần so với năm 2010).
BCH Đảng bộ tỉnh cũng đã kiểm điểm về phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc. Theo đó, BCH Đảng bộ tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng chủ động, sáng tạo, sâu sát, cụ thể; phương thức làm việc có nhiều đổi mới, sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình.
Bên cạnh những ưu điểm, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII cũng đã nghiêm túc kiểm điểm những hạn chế, khuyết điểm. Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, một số mặt còn thiếu quyết liệt; lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế ở một số lĩnh vực chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, thể thao một số mặt chưa theo kịp với phát triển kinh tế.
Trong công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kiểm điểm nêu rõ: Việc triển khai học tập, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Nhà nước ở một số địa phương, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu; việc nắm dư luận xã hội, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân chưa thường xuyên. Một số nơi chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn thiếu giải pháp cụ thể. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy còn hạn chế, nhất là cấp cơ sở.
Lê Sơn