In bài viết

Khai mạc Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024

(Chinhphu.vn) - Hôm nay 9/10 tại Hà Nội, Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương (PBGDPL) tổ chức diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 với chủ đề "Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp".

09/10/2024 08:58
Khai mạc Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Diễn đàn được tổ chức với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, có sự tham dự của khoảng 450 đại biểu.

Diễn đàn được tổ chức trực tuyến, kết nối với 63 địa phương với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nhân tại các địa phương, do đại diện lãnh đạo UBND cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh chủ trì.

Đây là sự kiện thiết thực hưởng ứng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2024) và Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11/2024).

Đồng hành, "theo sát" và cùng cộng đồng doanh nghiệp "tháo gỡ đến cùng" các khó khăn, các vấn đề pháp lý

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng PBGDPL Trung ương cho biết, đất nước ta đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng, hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá", là động lực, nguồn lực cho phát triển. Việc đổi mới tư duy xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng tạo hành lang pháp lý, đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển được coi là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong bối cảnh mới. 

"Để đáp ứng yêu cầu đó, chúng ta cần thường xuyên rà soát, nhận diện và giải quyết các vấn đề pháp lý, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh", Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nói.

Tại Diễn đàn này, đã có 117 ý kiến về những vấn đề pháp lý đặt ra đối với doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành đã có báo cáo rà soát về việc giải quyết các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đề cập.

Với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực phát triển, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp, trọng tâm là những giải pháp thúc đẩy hoàn thiện thể chế pháp luật.

Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 04 Luật quan trọng về các lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, đã đề xuất Quốc hội đẩy sớm thời điểm có hiệu lực của 04 đạo luật liên quan đến đất đai, bất động sản từ ngày 01/8/2024, nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 09 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; Chính phủ đã ban hành 122 Nghị định, 215 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.129 Quyết định, 35 Chỉ thị, tổ chức 3 phiên họp Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý các vấn đề, vướng mắc pháp lý. Những việc làm cụ thể đó, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. 

GDP Quý III tăng 7,4%, 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,82%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tình hình phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực với 183.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường (163.000). 

Tại kỳ họp thứ 8 sắp tới của Quốc hội, Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội các dự luật quan trọng theo tinh thần 1 luật sửa nhiều luật về thuế, chứng khoán, đầu tư… theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tổ chức ngày 21/9/2024, đó là: "Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu". Và Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 hôm nay là một hoạt động thiết thực mà Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật trung ương thực hiện để triển khai chủ trương nhất quán này.

Diễn đàn lần này tập trung vào 2 chủ đề chính được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, thứ nhất là các vấn đề pháp lý về trình tự, thủ tục các dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ; thứ hai là các vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ.

Khai mạc Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc Diễn đàn - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, có 2 mục tiêu chính của Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024: Một là, nhận diện được đúng và trúng các vấn đề tồn tại về pháp lý trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp đang trên đà khôi phục và phát triển hiện nay; làm rõ các vấn đề tồn tại đó xuất phát từ nguyên nhân nào? do quy định của pháp luật hay do tổ chức thi hành pháp luật (hay cả hai)?

Hai là, đưa ra được các giải pháp hữu hiệu, giải quyết ngay các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, nhất là ở khía cạnh áp dụng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời, xác định rõ các định hướng để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển.

"Với thông điệp "Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp", tôi hy vọng rằng, Diễn đàn này sẽ tiếp tục khẳng định cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, đó là luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức", Bộ trưởng nói.

Khai mạc Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024- Ảnh 3.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội điều hành phiên thảo luận thứ nhất về giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ - Ảnh VGP/Đức Tuân

Đồng thời, đây cũng là hoạt động nhằm cụ thể hóa chủ trương đổi mới tư duy triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển, gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, quyết tâm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới của Đảng và Nhà nước ta.

Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật trung ương, các Bộ, ngành, địa phương khẳng định tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, "tháo gỡ đến cùng" các khó khăn, vấn đề pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi một cách thực chất, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định.

Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục thông tin về sự kiện này.

Đức Tuân