Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương; bộ trưởng, thứ trưởng và đại sứ các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế tham dự buổi lễ.
Dành sự quan tâm đặc biệt cho sự kiện Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, từ Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thông điệp tại lễ khai mạc. Thủ tướng nhấn mạnh: "Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 nhằm quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam thân thiện, cần cù, mến khách, yêu lao động và quảng bá nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm của Việt Nam. Việt Nam cũng là nước đầu tiên xây dựng và phát triển kế hoạch 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ mang tính toàn dân, toàn cầu. Thể hiện trách nhiệm của mình với quốc tế trong chống biến đổi khí hậu và xây dựng nền nông nghiệp phát thải thấp".
Tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: Cây lúa đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về sản lượng, và cả chất lượng. Gạo Việt Nam được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới, nhờ sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của bao người gắn bó với cây lúa quê hương, từ người nông dân, hợp tác xã trực tiếp sản xuất, các chuyên gia, nhà khoa học, các thương lái xuôi ngược khắp nơi đến cộng đồng doanh nghiệp…, cùng hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, đã đánh thức tiềm lực của ngành hàng lúa gạo.
"Hiện nay, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo cần có những thích ứng linh hoạt để trở nên chuyên nghiệp và bền vững. Không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái ổn định, an lành”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, từ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 với slogan “Gạo xanh - Sống lành”, ba tiêu chí hướng đến của lúa gạo Việt Nam tương lai: Vì người trồng lúa, vì người tiêu dùng, vì môi trường xanh.
Lễ khai mạc được dàn dựng thành một chương trình nghệ thuật, mở đầu bằng tiết mục hát múa “Khát vọng hùng cường”, chương trình nghệ thuật được chia làm ba phần “Gieo hạt”, “Gồng gánh” và “Mùa gặt”. Những ca khúc lấy cảm hứng từ nông thôn và đồng hành đời sống nông dân nhiều năm qua như “Hạt gạo làng ta”, “Tình yêu của đất và nước”, “Hương lúa miền Nam”, “Đàn sáo Hậu Giang”, “Hát về cây lúa hôm nay” qua sự thể hiện của các ca sĩ Trọng Tấn, Cẩm Ly, Hương Giang, Trịnh Núi, Lê Minh Ngọc, Như Ý, Thanh Nhường... đã thêm một lần tô màu rực rỡ cho vẻ đẹp lúa gạo Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập.
Diễn ra từ ngày 11-15/12, Festival năm nay là sự kiện quy mô, tầm cỡ nhất trong suốt hành trình 14 năm kể từ Festival lúa gạo lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2009.
Hành trình từ một quốc gia thiếu đói vươn lên trở thành một trong những quốc gia tự chủ về lương thực và xuất khẩu hàng đầu thế giới của Việt Nam được các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Việt Nam.
Với lượng gạo xuất khẩu 6-8 triệu tấn/năm, hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. Ở một số thời điểm Việt Nam còn vươn lên vị trí thứ 2 thế giới về lượng gạo xuất khẩu.
Năng suất lúa gạo Việt Nam đã đạt mức cao trên thế giới, tăng từ 4,88 tấn/ha năm 2008 đã tăng lên 6,07 tấn/ha năm 2023. Mỗi năm xuất khẩu trung bình trên 6 triệu tấn/năm, riêng 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,8 triệu tấn gạo với giá trị 4,4 tỉ USD. Hạt gạo Việt Nam đã có mặt tại các thị trường, từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ tới châu Phi.
Không chỉ tăng sản lượng sản xuất, giá gạo của Việt Nam cũng tăng lên cùng với chất lượng gạo. Giá bình quân xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt mức 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là năm có mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất lịch sử sau hơn 30 năm dòng chảy gạo Việt vươn ra thế giới.
Bên cạnh sản lượng, chất lượng không ngừng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu của hầu hết thị trường cao cấp. Hơn 90% gạo Việt xuất khẩu hiện nay là hàng chất lượng cao, khẳng định vị thế gạo Việt trên thị trường thế giới.
Thành công của ngành lúa gạo Việt Nam là sự kết tinh từ những đóng góp không mệt mỏi của những người nông dân trồng lúa, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp chế biến và thương mại và sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế.
Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng; đồng thời mong muốn các nước phát triển, các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng ngành hàng lúa gạo và hệ thống lương thực thực phẩm xanh, bền vững hơn, góp phần thực hiện thành công các cam kết bảo vệ môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và vì một thế giới không còn đói nghèo./.
Hải Minh