In bài viết

Khai mạc Hội nghị COP 17

Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP17) đã khai mạc trọng thể ngày 26/11 tại thành phố biển Durban của Nam Phi với sự tham dự của gần 20.000 đại biểu của 194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là thành viên của Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC).

29/11/2011 14:55
Không phải ngẫu nhiên mà LHQ đã đưa ra một thông điệp đầy ý nghĩa bằng biểu tượng của COP 17 là cây bao báp (Bombac) khổng lồ với những cành khô trơ trụi và rễ cây này được mọc trên hành tinh cũng được bao phủ cảnh sa mạc khô cằn và tro bụi.
Nếu ai đó đã đến châu Phi chắc hẳn không thể quên được một loại cây khổng lồ (thường có chu vi gốc cây là 22-35 mét và có cây lên tới 50 mét) với sức sống rất mãnh liệt, thường xuyên xanh tươi, kể cả trên các sa mạc khô cằn. Biểu trưng của Hội nghị biến đổi khí hậu lần này đã mang đầy đủ ý nghĩa và lời cảnh báo sâu sắc đối với con người và hành tinh xanh của chúng ta. Hơn nữa, năm nay LHQ đã chọn châu Phi lần đầu tiên tổ chức Hội nghị khí hậu quan trọng này và là nơi hội tụ của các Nguyên thủ quốc gia, chuyên gia về khí hậu trên khắp thế giới để thảo luận về vấn đề nóng bỏng - sự biến đổi khí hậu toàn cầu - được minh chứng tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra nghiêm trọng tại châu Phi như tình trạng hạn hán kéo dài và tồi tệ nhất kể từ hơn sáu thập kỷ qua, nhất là khu vực Đông Phi, khiến cho hàng chục triệu người tại khu vực này đang phải đương đầu với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, đặc biệt hiện có hàng triệu người, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em, đang bị nạn đói đe dọa.
Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 17 sẽ tập trung thảo luận về 5 vấn đề mấu chốt. Thứ nhất, các thỏa thuận về biến đổi khí hậu tại COP17 lần này đưa ra phải được cân nhắc hài hòa, hợp lý và đáng tin cậy với tính khả thi cao. Lộ trình đàm phán các thỏa thuận cần được đặt dưới các nguyên tắc cơ bản chung nhằm duy trì và bổ sung các thỏa thuận chống biến đổi khí hậu của LHQ trước đây như Nghị định Kyoto. Những nguyên tắc thực hiện chung cần dựa trên sự cân bằng, môi trường thân thiện và hợp tác đa phương, cũng như trách nhiệm, tôn trọng các cam kết của cộng đồng quốc tế nhằm tạo ra sự tiến bộ trong quá trình thực hiện cuộc chiến chống biến đổi khí hậu một cách đồng bộ.
Thứ hai, Hội nghị biến đổi khí hậu lần này cần đảm bảo rằng các thỏa thuận tại Cancun, Mêhicô, nhất là thiết lập Quỹ Môi trường xanh cần được khởi động. Đặc biệt, sự cam kết đóng góp tài chính cho quĩ trên của các quốc gia phát triển và sự cắt giảm lượng CO2. Đây là vấn đề rất quan trọng và cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Thứ ba, để COP 17 thành công, các bên tham gia đàm phán cần tập trung thảo luận giải quyết các vấn đề chung còn tồn động tại các lộ trình đã thống nhất trước đây. Giải pháp chung là Hội nghị cần tìm ra tiếng nói chung về quá trình thực hiện các cam kết giai đoạn hai Nghị định thư Kyoto trước đây và nhất trí về tính pháp lý tự nhiên của tổ chức chống biến đổi khí hậu trong tương lai.
Thứ tư, các biện pháp thích ứng và đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu là các yếu tố quyết định trong các thỏa thuận lần này. Đây là các ưu tiên quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển, nhất là các quốc gia thuộc hệ thống phát triển quốc đảo nhỏ (SIDS), các nước chậm phát triển (LDC) và khu vực châu Phi.
Cuối cùng, bất cứ thỏa thuận nào được ký kết tại COP17 cũng cần gắn liền với các nguyên tắc phù hợp với các lợi ích chung của các bên và cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Kyoto lần thứ 7 (CMP7) cũng được tổ chức nhằm kiểm điểm, tổng kết tình hình thực hiện Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và đưa ra các chương trình hành động, giải pháp ưu tiên để thúc đẩy tiến trình thực hiện Công ước khung và Nghị định thư Kyoto trên toàn thế giới. Trong bài phát biểu mới đây về COP 17 và Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Kyoto lần thứ 7 (CMP 7) sắp diễn ra, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nêu rõ: "Đã đến lúc chúng ta cần đẩy nhanh xây dựng và thông qua một Nghị định thư mới để giảm thiểu sự biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày, từng giờ trên hành tinh mà chúng ta đang sống. Các bên cần nỗ lực đưa ra cam kết, giải pháp và lộ trình cụ thể để hạn chế nguy cơ tiềm ẩn và đạt được sự tiến bộ rõ rệt, cụ thể. Hành động chống biến đổi khí hậu không thể thực hiện đơn lẻ mà mang tính và nỗ lực toàn cầu. Đặc biệt, chúng ta không thể thực hiện có hiệu quả các dự án xanh, sạch, giảm thiểu lượng cácbon nếu không có sự cam kết về tài chính, công nghệ. Đây là hành động cho tương lai và thế hệ mai sau".
Linh Phú