In bài viết

Khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII

(Chinhphu.vn) – Từ 9h sáng nay, tại Hà Nội, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII đã khai mạc, bắt đầu 1 tháng làm việc của Quốc hội với nhiều nội dung quan trọng về KT-XH, xây dựng pháp luật. Đây là kỳ họp khởi đầu hoạt động đánh giá tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

20/05/2013 06:35

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, khai mạc sáng 20/5. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại kỳ họp thứ 4 diễn ra vào cuối năm 2012, Quốc hội xác định năm 2013 là năm bản lề, quyết định việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn 2011- 2015 và đặt ra nhiều giải pháp quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ này.

Trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra sát ngày khai mạc kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng  đã kêu gọi các đại biểu Quốc hội cùng với Chính phủ tập trung thảo luận cặn kẽ thực trạng nền kinh tế, đưa ra những giải pháp có tính đột phá, để kỳ họp thứ 5 thành công như mong mỏi của cử tri cả nước.

Quốc hội sẽ dành 2 ngày tập trung thảo luận tại tổ và hội trường (có tường thuật phát thanh trực tiếp) về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội sau khi nghe Báo cáo bổ sung về thực hiện nhiệm vụ này năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội.

Đối với công tác xây dựng pháp luật, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Trước ý nghĩa quan trọng của dự án Luật nói trên, vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị nếu Quốc hội thảo luận cặn kẽ và những ý kiến về chỉnh sửa dự án Luật Đất đai giải quyết được những khó khăn của thực tiễn thì dự án Luật sẽ thông qua dự án ngay tại Kỳ họp này, nếu không sẽ lùi lại tới kỳ họp sau.

Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đây sẽ là lần đầu tiên Quốc hội khoá XIII cho ý kiến dựa trên kiến nghị của nhân dân cả nước sau 3 tháng lấy ý kiến rộng rãi. Tại kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị khi thảo luận về Hiến pháp tại kỳ họp thứ 5 này, đại biểu Quốc hội phải xuất phát từ nguyện vọng, ý chí của nhân dân chứ không phải là ý kiến cá nhân.

Một nội dung quan trọng khác trong kỳ họp này là hoạt động lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm bắt đầu từ kỳ họp thứ 5 đã được cử tri cả nước hoan nghênh ngay sau khi có Nghị quyết số 35 của Quốc hội về việc này từ cuối năm 2012.

Để làm tốt việc lấy phiếu tín nhiệm thì công tâm, khách quan, phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri cả nước là những yêu cầu đặt ra với các đại biểu Quốc hội khi thực hiện nhiệm vụ này.

Dự kiến, sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các cơ quan của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ trình bày các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2012 và những tháng đầu năm 2013; Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Báo cáo kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp.

Tin bài liên quan:

 *Dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII

Cử tri gửi tới Quốc hội 5 vấn đề trọng tâm

Xung quanh việc lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh

Ý kiến đại biểu Quốc hội trước thềm kỳ họp thứ 5

Thành Chung