Mai vàng là loại hoa nổi tiếng của Việt Nam. Đối với Thừa Thiên Huế, mai vàng có nguồn gen bản địa đặc hữu thường được gọi là Hoàng mai Huế, được trồng từ lâu đời ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà dân... tạo nên vẻ đẹp sang trọng, trở thành một biểu tượng sắc xuân của thiên nhiên và con người Huế, gắn liền với đời sống thường nhật của Huế.
Với quyết tâm khôi phục và phát triển Hoàng mai Huế của chính quyền, sự đồng hành hưởng ứng của người dân, một số vườn mai vàng được quy hoạch, trồng đúng giống mai vàng Huế và bước đầu đã đem lại kết quả tích cực.
Tiếp nối những thành công đó, Lễ hội Hoàng mai lần I - 2023 sẽ diễn ra đến ngày 19/1 (ngày 18/12 đến ngày 28/12 năm Nhâm Dần) với các hoạt động như: Cuộc thi các tác phẩm Hoàng mai đẹp; không gian triển lãm, trưng bày; không gian giao lưu và trao đổi; không gian đấu giá.
Trong đó, cuộc thi các tác phẩm Hoàng mai đẹp tranh giải thưởng Hoàng mai Huế - Tuyệt tác của mùa Xuân với 2 nhóm là hoàng mai loại lớn và hoàng mai bonsai.
Chương trình có sự góp mặt của các nghệ nhân, tổ chức, nhà vườn là thành viên Hội Hoàng mai Huế và các tỉnh, thành phố có phong trào trồng mai phát triển mạnh.
Những tác phẩm Hoàng mai mang đến trưng bày, triển lãm là những tác phẩm tinh túy, đặc sắc nhất của mỗi nghệ nhân; phải đang thời kỳ đẹp nhất, hoa tươi, nở đúng dịp tranh tài, không bị héo rũ,... cây có gốc rễ chắc chắn, tổng quát cây dáng thế hài hòa, phù hợp với thuyết minh.
Đến với không gian triển lãm - trưng bày, người dân và du khách sẽ được thưởng ngoạn vườn Hoàng mai nở rực cả một góc trời tại công viên Thương Bạc, phía trước Kinh thành Huế cổ kính, tạo nên một điểm check-in thú vị, ngập tràn sắc xuân phục vụ người dân và du khách.
Không gian giao lưu và trao đổi là nơi các chuyên gia, nghệ nhân, những người yêu thích nghệ thuật Hoàng mai có dịp cọ sát, học hỏi kinh nghiệm về phương pháp trồng, chăm sóc, cảm nhận về Hoàng mai qua cuộc thi và trưng bày.
Không gian đấu giá quy tụ những người chơi mai, các nghệ nhân, tổ chức, nhà vườn, người dân và du khách yêu Hoàng mai. Những tác phẩm Hoàng mai đẹp nhất được chọn đem bán đấu giá công khai, minh bạch và sẽ thuộc về những người yêu mai chịu chi nhất.
Quá trình buổi đấu giá diễn ra hứa hẹn là một trải nghiệm mới lạ và thú vị, người bán nhận được giá trị xứng đáng và người mua có được thứ mà mình yêu thích. Hoạt động giúp thúc đẩy giao thương, buôn bán, tăng hiệu quả kinh tế.
Tại Lễ hội lần này, người dân và du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng gần 400 tác phẩm đặc sắc nhất của các nghệ nhân, nhà vườn là thành viên Hội Hoàng mai Huế cũng như các địa phương có phong trào trồng mai phát triển; trong đó có 114 tác phẩm dự thi gồm cả mai đại và mai bonsai, 122 tác phẩm trưng bày, triển lãm và hàng trăm sảm phẩm thương mại góp mặt vào các không gian lễ hội.
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho hay, Mai vàng Huế còn gọi là Hoàng mai Huế có nguồn gen bản địa đặc hữu thường được định vị một cách trang trọng trong kiến trúc cảnh quan sân vườn ở Huế, từ cung đình, phủ đệ, dinh thự, đến đình chùa, nhà dân.
Trồng mai, chơi mai không chỉ là thú vui tao nhã của người dân cố đô, mà ẩn sâu trong đó là sự chiêm nghiệm, là suy tư và cả khát vọng được người trồng gửi gắm một cách lặng lẽ, thầm kín, chứa đựng nhiều giá trị tinh thần gắn liền với những thăng trầm theo suốt cuộc đời của chủ nhân.
Trải qua biến động của thời cuộc, sự khắc nghiệt của thời tiết, cùng đặc tính đỏng dảnh của loài cây đòi hỏi sự chăm sóc công phu này, phong trào trồng mai, chơi mai và số lượng Hoàng mai quí hiếm của Huế đã dần mai một.
Vi lý do đó Lễ hội Hoàng Mai Huế 2023 được tổ chức nhằm góp phần quảng bá nghệ thuật trồng và chơi Mai kiểng, thú vui tao nhã của người dân xứ Huế mỗi dịp Tết đến Xuân về, là dịp giới thiệu quảng bá đặc trưng hiếm có của Mai vàng Huế, khẳng định thương hiệu, cổ vũ phong trao trồng mai, chơi mai, khuyến khích phát triển làng nghề, kích thích sản xuất, hướng đến việc xây dựng Huế trở thành xứ sở Hoàng Mai của Việt Nam.
Thế Phong