Tới dự có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên cùng đông đảo bà con các dân tộc Tây Nguyên.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Đại tướng Tô Lâm nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương gần 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc: Ê Đê, Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, M'nông, K'ho, Chu Ru, H'Rê, B'râu, Rơ Măm... đại diện cho cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên anh hùng đã về hội tụ, chung vui với tinh thần đoàn kết, cùng tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm phát triển toàn diện và bền vững vùng Tây Nguyên. Từ khi đổi mới đến nay, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này. Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 23 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định "Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng".
Theo Đại tướng Tô Lâm, quán triệt thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, với sự hỗ trợ tích cực của các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã tích cực triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Đến nay, Tây Nguyên là nơi còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng đặc sắc, phong phú, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như nhà rông, nhà dài, đàn đá, các lễ hội và kho tàng văn học dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, làn điệu dân ca đậm đà bản sắc, trong đó có Trường ca Đam San huyền thoại của đồng bào Ê đê, các lễ hội gắn với "Không gian văn hóa Cồng chiêng" đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I thực sự trở thành điểm hội tụ, lan tỏa, là dịp để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, góp phần quảng bá hình ảnh con người, vẻ đẹp hùng vĩ và văn hoá dân tộc đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại đến bạn bè trong nước và quốc tế, mở rộng cơ hội đón nhận đầu tư, thu hút phát triển du lịch vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng.
Cũng tại Lễ khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang cho hay, trải qua các thời kỳ lịch sử, đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần cách mạng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Việc tổ chức luân phiên Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên là một sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc được giao lưu, trao đổi văn hóa, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần xây dựng bản làng, quê hương vùng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng bày tỏ sự trung thành và niềm tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và xin hứa sẽ luôn kiên định, vững bước dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp bước truyền thống các thế hệ cha anh, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết một lòng, nắm bắt, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng ổn định, phát triển nhanh và bền vững.
Sau phần Lễ khai mạc là Chương trình nghệ thuật: "Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ" với các tiết mục ca, múa, nhạc mang đậm bản sắc văn hóa vùng Tây Nguyên.
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I có khoảng 600 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh vùng Tây Nguyên, gồm: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum tham gia.
Ngày hội diễn ra từ ngày 29/11-1/12 với nhiều hoạt động: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống của địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc; triển lãm "Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam"; trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa đặc sắc các dân tộc khu vực Tây Nguyên, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; hoạt động thể thao quần chúng, hoạt động du lịch.
Dương Nương