In bài viết

Khai mạc Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022

(Chinhphu.vn) - Sáng 18/8, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) khai mạc Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022 với chủ đề "Chuyển đổi số tạo đà đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội".

18/08/2022 14:33
Khai mạc Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022 - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Thuế cùng các đại biểu tham quan triển lãm giới thiệu các nền tảng, giải pháp số - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Tuần lễ chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế 2022 diễn ra trong 3 ngày, gồm nhiều hoạt động phong phú với 6 phiên chuyên đề, 3 tọa đàm, triển lãm các giải pháp công nghệ số tiêu biểu. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 50 diễn giả, hơn 1.000 lượt đại biểu và khoảng 3.000 khách tham quan. 

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế chia sẻ: Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022 hướng đến công tác chuyển đổi số cho các cơ quan, doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả với các chương trình tư vấn chuyển đổi số, chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm các giải pháp số. Thông qua Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022, Thừa Thiên Huế kỳ vọng sẽ có được những tham vấn nhằm xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong giai đoạn mới cho tỉnh.

"Là địa phương mang trong mình nhiều giá trị di sản văn hóa, nên chuyển đổi số sẽ góp phần nâng tầm các giá trị văn hóa, di sản, tạo ra những dịch vụ mới, các mô hình kinh tế mới cho Thừa Thiên Huế nói riêng và các địa phương nói chung. Sự kiện này cũng nhằm giới thiệu một điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư về CNTT để triển khai các hoạt động đầu tư trên địa bàn", Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.

Khai mạc Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022 - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng sẽ có được những tham vấn thiết thực nhằm xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong giai đoạn mới cho Thừa Thiên Huế - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao tinh thần triển khai chiến lược chuyển đổi số của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế qua chương trình Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022, thể hiện quyết tâm cao, tinh thần thúc đẩy mạnh chuyển đổi số của toàn tỉnh để đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị trong việc sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đưa ra thông điệp cho Thừa Thiên Huế, đó là xây dựng xã hội số Hue - S và có chiến lược phù hợp, tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực chuyển đổi số trên địa bàn để tiếp tục khẳng định Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng CNTT và thực hiện chuyển đối số; kỳ vọng tỉnh sẽ từng bước kiến tạo một mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh điển hình lấy người dân làm trung tâm phát triển kinh tế-xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khai mạc Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022 - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại phiên khai mạc Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Tại phiên toàn thể diễn ra sáng 18/8, các diễn giả là lãnh đạo cơ quan quản lý, các chuyên gia chuyển đổi số và lãnh đạo tập đoàn công nghệ số như Mobifone, VNPT, Viettel, FPT, FSI… đã tập trung bàn thảo, chia sẻ và tham vấn về kế hoạch chuyển đổi số Huế giai đoạn 2022-2025, phát triển các hạ tầng chuyển đổi số Huế, đặc biệt là hạ tầng dữ liệu và các mô hình hợp tác hiệu quả giữa chính quyền và doanh nghiệp. 

Chuyên đề đã giúp cho các cấp, các ngành, không chỉ của Thừa Thiên Huế tiếp cận được định hướng, chiến lược chuyển đổi số quốc gia, phương pháp chuyển đổi số địa phương phù hợp thực tiễn và theo tình hình mới, làm cơ sở hoạch định chính sách và kế hoạch chuyển đổi số các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian tới. 

Hiện nay, Huế và các địa phương đều thiếu nền tảng dữ liệu tập trung; năng lực khai thác dữ liệu rất thấp, ở Huế chỉ được 5%; thiếu chuyên gia phân tích, khai phá dữ liệu, hoàn toàn chưa có chiến lược dữ liệu. Các diễn giả đều thống nhất, để tạo đột phá, Thừa Thiên Huế cần đi đầu trong phát triển hạ tầng dữ liệu.

Tại phiên chuyên đề chiều cùng ngày, các chuyên gia, diễn giả tập trung bàn thảo, chia sẻ kinh nghiệm và kế hoạch số hóa các di sản văn hóa, tạo đà phát triển kinh tế số. 

Thừa Thiên Huế đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, 7 di sản văn hóa thế giới. Với hệ thống di sản đồ sộ, Thừa Thiên Huế kỳ vọng đẩy mạnh chuyển đổi số các di sản văn hóa nhằm phát huy sức mạnh của các di sản văn hóa, tạo ra nhiều những sản phẩm du lịch mới, mô hình du lịch mới. Sự phát triển của ngành du lịch tại Huế sẽ tạo đà phát triển đột phá kinh tế-xã hội tại địa phương. 

Khai mạc Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022 - Ảnh 5.

Các đại biểu nhấn nút ra mắt nền tảng 5G –Mobifone phủ sóng tỉnh Thừa Thiên huế - Ảnh: VP/Nhật Anh

Trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022, Tập đoàn FPT và công ty thành viên đã ký kết 2 thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025. Ngay sau lễ ký kết, các cuộc làm việc song phương giữa các doanh nghiệp và sở, ngành cũng được bố trí trực tiếp trong khuôn khổ hội nghị nhằm tham vấn kế hoạch chuyển đổi số cho các sở, và bàn thảo phương thức triển khai ngay các nhiệm vụ. Điều này thể hiện sự quyết liệt, thực chất và cam kết đồng hành của VINASA và các doanh nghiệp công nghệ số trong chuyển đổi số các địa phương nói chung và Huế nói riêng.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, các nền tảng số quan trọng cũng được ra mắt bao gồm: Nền tảng 5G-Mobifone phủ sóng tỉnh Thừa Thiên huế, nền tảng Hue-S thế hệ mới. Đây đều được coi là một công cụ quan trọng để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất, giáo dục, y tế, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, năng lượng, đến thương mại dịch vụ. 

Bên cạnh các phiên hội nghị chuyên đề, Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022 còn tổ chức triển lãm giới thiệu các nền tảng, giải pháp số với 25 gian hàng và chuyên đề giao lưu sinh viên với chủ đề chuyển đổi số với tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ, nhằm truyền cảm hứng cho lực lượng nhân lực số tương lai cho Huế.

Nhật Anh