“1. Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan và Người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về SCIC:
- Phối hợp với SCIC khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và thực hiện chuyển giao theo đúng quy định của pháp luật.
- Xem xét, biểu quyết việc không thay đổi quy mô và cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp, biểu quyết không bán vốn tại công ty con, công ty liên kết trong thời gian chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu”.
Công ty Luật TNHH IPIC đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, khái niệm “Các đơn vị liên quan” được nêu trong công văn có bao gồm cả các cổ đông/thành viên khác (không bao gồm cổ đông/thành viên Nhà nước) của các công ty có cổ phần/phần vốn góp của Nhà nước hay không? Nếu có, các cổ đông/thành viên này có buộc phải bỏ qua quyền tự quyết của mình để thực hiện việc “biểu quyết việc không thay đổi quy mô và cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp, biểu quyết không bán vốn tại công ty con, công ty liên kết trong thời gian chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu” hay không?
Trong giai đoạn chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước sang cho SCIC, công ty có cổ phần/phần vốn góp của Nhà nước thực hiện các quyết định liên quan đến việc thay đổi quy mô và cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp, bán vốn tại công ty con, công ty liên kết, mà quyết định đó được Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng thành viên công ty thông qua với tỷ lệ tán thành theo đúng quy định của Điều 144/Điều 60 Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều lệ công ty (số cổ phần/phần vốn góp biểu quyết tán thành không bao gồm số cổ phần/phần vốn góp của Nhà nước) thì có phù hợp với nội dung của Công văn số 10382/VPCP-ĐMDN không?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời như sau:
Khái niệm “Các đơn vị liên quan”
Khoản 5 Điều 5 Luật số 69/2014/QH13 quy định nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp: “Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn nhà nước; bảo đảm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”.
Khoản 2 Điều 43 Luật số 69/2014/QH13 quy định quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cô phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: “Quyết định theo thẩm quyền việc đầu tư tăng vốn, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên”.
Khoản 1.b Điều 48 quy định quyền, trách nhiệm của người đại diện phần vốn của doanh nghiệp: “1. Báo cáo, xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên về các vấn đề sau đây:...
b) Ban hành điều lệ, sửa đổi, bổ sung điều lệ; tăng hoặc giảm vốn điều lệ; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm đối với thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giảm đốc hoặc Phó Giám đốc”.
Do đó, “các đơn vị liên quan” tại Công văn số 10382/VPCP-ĐMDN theo Bộ Tài chính được hiểu là các cơ quan tham mưu (thuộc Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh) đề xuất vói cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh) xem xét, chỉ đạo Người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thay đổi quy mô, vốn điều lệ khi chưa chuyển giao
Khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định đối với Nghị quyết của Hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên) như sau:
“3. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp trong các trường hợp sau đây:
a) Được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Được số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành đối với quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công tv hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty”.
Khoản 1 và Khoản 2 Điều 144 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua (đối với công ty cổ phần):
“1. Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định:
a) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;
….2. Các nghị quyết khác được thông qua khi được số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.”
Như vậy, theo Bộ Tài chính, các công ty cổ phần/công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên căn cứ các quy định trên để xác định Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng thành viên đã đủ điều kiện được thông qua hay chưa.
Chinhphu.vn