In bài viết

Khai quật khảo cổ tại di tích Khu Gò Mộ, Đồng Tháp

(Chinhphu.vn) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa cho phép Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh khai quật tại di tích Khu Gò Mộ thuộc Khu di tích Gò Tháp, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, từ ngày 25/7 đến 25/9/2013.

26/07/2013 14:16

Diện tích khai quật là 400m². Ông Đặng Văn Thắng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, được giao phụ trách khai quật.

Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố những kết luận khi chưa được cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa đồng ý.

Đồng thời những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật giao cho Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp giữ gìn, bảo quản. Sau khi kết thúc đợt khai quật, chậm nhất 3 tháng Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh phải có báo cáo sơ bộ và sau 1 năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa.

Di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp nằm trên địa bàn hai xã Tân Kiều và Mỹ Hòa, thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, với diện tích được quy hoạch bảo tồn khoảng 290ha, được Thủ tướng phê duyệt là di tích quốc gia đặc biệt.

Di tích khảo cổ học Gò Tháp được các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện và công bố vào khoảng những năm cuối của thế kỷ XIX, với tên gọi Prasat Pream Loven (Chùa năm gian). Đây là địa điểm còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học gắn với nền văn hóa Óc Eo.

Tại đây đã tìm thấy các bia văn quý hiếm; các kiến trúc xây dựng đền tháp với trình độ nghệ thuật cao; các tượng Phật bằng gỗ với đường nét điêu khắc tinh xảo; các loại hình di tích mộ táng với hàng trăm hiện vật vàng, đá quý chạm khắc những hình vẽ độc đáo. Khu di tích đặc biệt mang tầm quốc gia này không chỉ là sự hội tụ 3 loại hình: di tích kiến trúc, di tích cư trú và di tích mộ táng mà còn là những chỉ dấu quan trọng về các phương diện lịch sử, chính trị, kinh tế, nghệ thuật, tôn giáo của nền văn minh cổ xưa, rực rỡ gắn với Vương quốc Phù Nam của mấy nghìn năm trước.

Ngoài ra, Khu di tích Gò Tháp còn có các thiết chế tôn giáo và tín ngưỡng cổ truyền như: tháp cổ tự, đền thờ, miếu bà Chúa Xứ, mộ Hoàng Cô, nền Tháp cổ và nhiều giai thoại dân gian mang màu sắc huyền bí, tâm linh.

Hiện nay, khu di tích Gò Tháp được tỉnh Đồng Tháp quy hoạch để làm khu di tích bảo tồn, bảo tàng, khu rừng sinh thái, khu du lịch nhằm phục vụ việc nghiên cứu, học tập và tham quan của người dân.

Minh Phương