In bài viết

Khai thác khoáng sản làm VLXD: Những khoảng trống cần lấp

Theo thống kê trong những năm gần đây, giá trị công nghiệp ngành khai thác khoáng sản (trừ dầu khí) đã tăng từ 4,8% năm 1995 lên đến trên 10% GDP hàng năm của Việt Nam, trong đó có đóng góp đáng kể và vai trò rất quan trọng của ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, trong công tác khai thác khoáng sản làm VLXD còn nhiều khoảng trống cần lấp.

06/10/2011 16:07

Khai thác khoáng sản làm xi măng: Công tác hoàn nguyên mỏ chưa tốt

Theo Bộ Xây dựng, đến nay, có tổng cộng 150 mỏ đá vôi, 100 mỏ đất sét, 40 mỏ phụ gia xi măng chất lượng tốt đưa vào quy hoạch phục vụ làm nguyên liệu sản xuất xi măng tối thiểu với thời gian 30 năm cho mỗi dự án. Trữ lượng được quy hoạch để cấp phép thăm dò, khai thác đến năm 2020 là 2.136 triệu tấn đá vôi, 569 triệu tấn đất sét, 470 triệu tấn phụ gia. Từ khi có quy hoạch đến nay, các chủ đầu tư đã thăm dò 44 mỏ đá vôi, 35 mỏ đất sét; 8 mỏ phụ gia, 5 mỏ hỗn hợp đá vôi, đất sét, laterit, cát kết. Trong đó, có thêm 30 Giấy phép khai thác được cấp nâng tổng số Giấy phép khai thác được cấp cho các công ty xi măng trong nước và liên doanh với nước ngoài là 113 Giấy phép. Đồng thời, đã bổ sung 181 mỏ đá vôi (khoảng 36,6 tỷ tấn), 113 mỏ sét xi măng (khoảng 5 tỷ tấn), 54 mỏ phụ gia (khoảng 3 tỷ tấn) vào quy hoạch dự trữ tài nguyên quốc gia.

Việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng khá chặt chẽ, thực hiện đúng trình tự theo quy định hiện hành và đảm bảo đủ nguyên liệu cho các dự án xi măng đi vào hoạt động và dự trữ lâu dài, đáp ứng cho sự phát triển của ngành công nghiệp xi măng.

Nhìn chung, việc thực hiện thăm dò, khai thác khoáng sản làm xi măng cơ bản đi vào nề nếp, hoạt động ổn định, hạn chế nhiều bất cập, thuận tiện cho công tác quản lý Nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp. Các chủ đầu tư rất chú trọng đảm bảo công suất đã đầu tư, công nghệ khai thác hiện đại, công suất lớn. Việc chấp hành tuân thủ các quy định trong khai thác các mỏ khoáng sản làm xi măng, đảm bảo quy trình, quy phạm, an toàn, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện nay vẫn còn một số cơ sở sản xuất xi măng sử dụng công nghệ, phương pháp khai thác truyền thống, tiêu hao vật tư, thiết bị, nhân công cao, làm tăng chi phí khai thác và tổn thất sau khai thác còn lớn. Việc hoàn nguyên sau khai thác đã được lập trong dự án khai thác. Hiện nay đa phần các mỏkhoáng sản đang trong quá trình khai thác, chưa đến giai đoạn hoàn nguyên mỏ. Một số mỏ sau khi kết thúc khai thác đã thực hiện đúng việc hoàn nguyên, phục hồi môi trường.

Quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng còn hạn chế

Theo quy hoạch được phê duyệt, đến nay các tổ chức cá nhân đang triển khai thăm dò, khai thác ở 21 mỏ cao lanh, 14 mỏ đất sét trắng, 33 mỏ felspat, 14 mỏ cát trắng, 1 mỏ đôlômit, 120 mỏ đá ốp lát trên phạm vi toàn quốc. Các khu, cụm công nghiệp khai thác, chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng tập trung trên phạm vi cả nước đã được hình thành, góp phần tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức cá nhân có năng lực đầu tư công nghệ khai thác hiện đại, chế biến tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác quản lý quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng vẫn còn những hạn chế, như : Nhiều mỏ khoáng sản lớn tại một số tỉnh bị chia nhỏ cấp phép cho nhiều doanh nghiệp, mà không đưa vào quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng của cả nước (ví dụ: Tràng thạch ở Phú Thọ, đá ốp lát ở Thanh Hóa, Nghệ An... .). Công tác thăm dò chưa triệt để theo chiều sâu thân quặng, nên việc đánh giá trữ lượng khoáng sản còn hạn chế, không khai thác hết trữ lượng khoáng sản, gây lãng phí tài nguyên. Chưa có tiêu chí chặt chẽ, cụ thể đối với các tổ chức cá nhân có năng lực được cấp phép thăm dò, khai thác. Việc kiểm tra, phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trước và sau khi cấp phép chưa tốt.

Giai đoạn từ sau năm 2008 đến nay, có 40/63 tỉnh đã tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản hoặc quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, công tác tổ chức thực hiện quy hoạch của một số tỉnh còn mang tính hình thức, chưa bám bám sát các tiêu chí về quy mô, trình độ công nghệ đảm bảo khai thác, chế biến và sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản. Một số địa phương đã quy hoạch cấp phép các chủng loại khoáng sản thuộc thẩm quyền của Trung ương để hợp thức hóa các khu vực khoáng sản do tỉnh đã cấp phép.

Sản lượng khai thác khoáng sản nhằm mục đích phục vụ nhu cầu sản xuất vật liệu xây dựng thông thường tại các địa phương theo thống kê năm 2010 là: Đá xây dựng đạt 104 triệu m3, đất sét là 1,3 triệu m3, cát xây dựng là 97 triệu m3. Cho đến nay, tổng Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp phép lên tới 3444 Giấy phép. Tình hình quản lý hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường lộn xộn, gây bức xúc trong dư luận chủ yếu do một số nguyên nhân như : Nhiều mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại các địa phương được cấp phép khai thác manh mún, nhỏ lẻ; Công tác quản lý kiểm tra hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số địa phương còn bị xem nhẹ, chưa chặt chẽ; Năng lực tổ chức, quản lý khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của các tổ chức, cá nhân được cấp phép tại các địa phương còn yếu. Trình độ công nghệ khai thác, chế biến vẫn còn lạc hậu, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa chấp hành nghiêm túc các quy định về thăm dò, khai thác, an toàn và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản.

Ngọc Mai