Ưu tiên bố trí không gian biển cho du lịch sinh thái, thăm dò dầu khí, nuôi trồng thủy sản - Ảnh minh họa |
Ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu; các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, các vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương và sinh vật ngoại lai xâm hại được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả. Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng được tăng cường, đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.
Tầm nhìn đến năm 2045: Tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng bền vững cho phát triển kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, xã hội hài hòa với thiên nhiên nhằm góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn, tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.
Ưu tiên bố trí không gian biển cho du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản
Dự thảo cũng nêu rõ các nhiệm vụ, định hướng của Chiến lược. Theo đó, một nhiệm vụ định hướng quan trọng là khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo. Cụ thể, đối với phân vùng không gian biển cho các mục tiêu khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo, ưu tiên bố trí không gian biển cho hoạt động của các ngành như sau:
Phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa; du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ; tìm kiếm thăm dò khoáng sản, dầu khí, các dạng hydrocarbon phi truyền thống tại các bể trầm tích vùng nước sâu xa bờ; phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, khai thác thủy sản xa bờ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản; phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế với các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ nền tảng, công nghệ nguồn…
Đối với nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển và hải đảo: Bảo vệ, duy trì hệ thống các khu bảo tồn hiện có; điều tra, khảo sát, đánh giá đề xuất thành lập các khu bảo tồn mới trên các vùng biển, ven biển và hải đảo; tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài khu bảo tồn. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi và buôn bán xuyên biên giới các loài sinh vật biển hoang dã thuộc danh mục cần được bảo tồn.
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng: Nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của hệ thống tự nhiên và xã hội trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; giám sát tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực trên vùng biển và ven biển. Quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng, bố trí sắp xếp lại các khu dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai; củng cố và xây mới các công trình cấp, thoát nước đô thị lớn; chống sạt lở bờ sông, bờ biển; triển khai các giải pháp công trình, phi công trình ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Dự thảo cũng nêu rõ các giải pháp thực hiện bao gồm: 1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; 2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; 3. Phát triển khoa học, công nghệ; 4. Chủ động tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về quản lý, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; 5. Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển; 6. Xây dựng cơ chế tài chính bền vững phục vụ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh