Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạnh Phú (nhiệm kỳ 2020 - 2025) nêu rõ, đến năm 2025 sẽ đạt huyện nông thôn mới (NTM), trong đó có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và một xã NTM kiểu mẫu.
Tầm nhìn đến năm 2030, Thạnh Phú sẽ là một trong những trung tâm du lịch và trung tâm năng lượng sạch của tỉnh Bến Tre. Thu nhập bình quân đầu người đạt 150 triệu đồng/người/năm; 5/17 xã, thị trấn tự cân đối được chi tiêu ngân sách. Tổng thu ngân sách trên 1.000 tỉ đồng/năm…
Trong những năm gần đây, Thạnh Phú đã đầu tư phát triển du lịch, xây dựng nhiều công trình và mô hình hiệu quả như: Mô hình du lịch sinh thái rừng phòng hộ tại xã Thạnh Phong; du lịch homestay kết hợp tham quan các di tích văn hóa-lịch sử; du lịch tâm linh.
Ngoài ra, các điểm tham quan như Nhà cổ Huỳnh Phủ; khu mộ xã Đại Điền; hàng cây sao xã Phú Khánh; di tích lịch sử trận đánh 30 tháng 10 xã Mỹ Hưng; chùa An Linh; bia lưu niệm nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại xã Phú Khánh; tượng đài Giá Thẻ, xã An Nhơn; bia lưu niệm nơi xuất quân Tiểu đoàn 307 và thành lập Tiểu đoàn 310; Di tích cấp quốc gia Đường Hồ Chí Minh trên biển; bia mộ 21 người; Lăng Ông Nam Hải… là những điểm đến thu hút khách du lịch.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, cầu đường được huyện đầu tư xây dựng, nâng cấp, tạo nhiều thuận lợi trong giao thông, từ đó, lượng khách đến tham quan, du lịch tại biển Cồn Bửng ngày càng nhiều hơn.
Theo thống kê, trong 5 năm (2017-2022), tổng lượng khách đến huyện Thạnh Phú đạt 1,45 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 315 tỷ đồng. Nghề kinh doanh, dịch vụ du lịch đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và tiêu thụ số lượng lớn mặt hàng thủy, hải sản tại địa phương.
UBND huyện Thạnh Phú cũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh, dịch vụ du lịch cho cán bộ, công chức ở các xã, thị trấn và các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện; tổ chức tọa đàm "Xây dựng sản phẩm du lịch Thạnh Phú" với sự tham gia của các chuyên gia, các doanh nghiệp lữ hành và các ngành chức năng của tỉnh.
Ban Quản lý khu du lịch của huyện thường xuyên tuyên truyền về nghiệp vụ, quy tắc ứng xử với khách du lịch và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của ngành y tế đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch.
Công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và nhân dân bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, bán hàng bảo đảm chất lượng, không "chặt chém" khách được Ban Quản lý khu du lịch phối hợp với lực lượng công an, quân sự và các ngành, đoàn thể xã Thạnh Hải thực hiện thường xuyên.
Ngoài ra, để khai thác, phát triển tiềm năng du lịch biển Cồn Bửng, UBND huyện Thạnh Phú đã kiến nghị ngành chức năng tỉnh cần sớm khảo sát, đánh giá lại đất rừng; trong đó chuyển một phần diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ không đúng thực tế (không có rừng) sang đất phát triển kinh tế.
Cần tạo môi trường thuận lợi, có nhiều chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; xây dựng các bến tàu (phía sau Lăng Ông, cầu Cồn Bửng, rạch giáp Cồn Đâm); tôn tạo chùa, xây dựng trạm dừng chân... nhằm tạo điều kiện để đa dạng hóa các loại hình du lịch.
Tiếp tục nâng cấp đường ra Biển Đông, mở tuyến xe buýt đến Cồn Bửng để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.
Tại buổi khảo sát thực tế công tác đầu tư khai thác du lịch ở biển Cồn Bửng, huyện Thạnh Phú mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam lưu ý những giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất này và tiềm năng khai thác du lịch của khu vực Cồn Bửng cần được chú trọng phát huy. Việc khai thác du lịch cần gắn với giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.
Cũng theo ông Trần Ngọc Tam, trong bối cảnh mới, có nhiều yếu tố tích cực, có tác động tương hỗ đối với du lịch địa phương, nhất là dự án tuyến đường động lực ven biển, điện gió, các dự án phát triển ven biển đang được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc khai thác du lịch có tác động tới yếu tố môi trường cũng cần được xem xét, đánh giá, điều chỉnh phù hợp.
Vũ Phong