In bài viết

Khai thác tiềm năng nuôi biển theo hướng bền vững

(Chinhphu.vn) - Từ nay đến năm 2030, Kiên Giang đầu tư phát triển khai thác tiềm năng nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tăng thu nhập cho người dân vùng biển đảo, góp phần phát triển kinh tế biển.

19/09/2019 11:36
Nuôi cá lồng bè trên biển ở Kiên Giang
Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, tỉnh bố trí nuôi biển ở các huyện, thành phố có biển, đảo và quần đảo gồm Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương, TP. Hà Tiên, ven biển vùng Tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng phù hợp với điều kiện tự nhiên và quy định về nuôi biển.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho TTXVN biết, trước mắt, tỉnh lập đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững, hiệu quả đến năm 2030; trong đó, đánh giá đúng, đủ các nguồn lực phát triển nuôi biển của địa phương trong mối liên hệ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển đảo. Xây dựng các phương án nuôi biển cụ thể, hiệu quả gắn với những giải pháp đồng bộ khả thi; kết hợp phát triển nuôi biển với dịch vụ thủy sản và du lịch.

Nuôi biển hiện nay ở tỉnh Kiên Giang chủ yếu là nuôi cá biển và nuôi nhuyễn thể, nhưng còn nhiều những khó khăn, bất cập, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Cá biển là đối tượng nuôi chính theo hình thức nuôi lồng bè trên biển. Vùng nuôi tập trung quanh các đảo thuộc các huyện Phú Quốc, Kiên Hải và một số xã đảo của huyện Kiên Lương, TP. Hà Tiên. Đến tháng 9 này, toàn tỉnh có 3.464 lồng nuôi cá trên biển, đạt hơn 80% kế hoạch, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2018; dự kiến sản lượng cá thu hoạch năm 2019 hơn 3.500 tấn.

Nuôi nhuyễn thể được tập trung ở các địa phương ven biển như An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương và TP. Hà Tiên. Năm 2018, diện tích nuôi nhuyễn thể gần 21.800 ha, sản lượng đạt trên 66.000 tấn. Dự kiến, năm 2019, diện tích nuôi nhuyễn thể toàn tỉnh hơn 22.700 ha, sản lượng ước đạt trên 78.100 tấn.

Đáng chú ý phải kể đến nghề nuôi trai cấy ngọc nhân tạo tại Phú Quốc. Chất lượng viên ngọc trai Phú Quốc được giới chuyên môn đánh giá rất cao và lĩnh vực ngành nghề nuôi trai cấy ngọc đã mang lại nét đặc trưng độc đáo cho huyện đảo Phú Quốc, góp phần phát triển du lịch, thu hút nhiều du khách tham quan khi đến đảo ngọc.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Kiên Giang, nghề nuôi biển của Kiên Giang mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng thiếu chính sách cụ thể để khuyến khích đầu tư phát triển, hạ tầng phục vụ nuôi biển nhiều bất cập.

Tỉnh đang thiếu các nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp, chế biến xuất khẩu cá thương phẩm và cơ sở sản xuất giống cá biển phục vụ nghề nuôi. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm nuôi biển, liên kết sản xuất, tiêu thụ còn yếu, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Quy mô nuôi cá nhỏ lẻ, thô sơ, chủ yếu nuôi trong hộ ngư dân, sử dụng cá tạp làm thức ăn cho cá dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững.

Tỉnh sẽ triển khai đề án phát triển nuôi biển hợp lý, khoa học theo hướng hiệu quả, bền vững trong thời gian tới; bố trí, sắp xếp lồng nuôi và nuôi nhuyễn thể an toàn, phù hợp với quy hoạch du lịch, giao thông đường biển; phù hợp với cảnh quan, môi trường sinh thái, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân trong vùng và phát triển kinh tế biển Kiên Giang.

BT