Ảnh minh họa - Internet |
Theo lịch Chăm, đầu tháng 7 (khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch) là vào lễ hội Katê - lễ cúng tế trời đất, tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Lễ hội Katê nhằm quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của người Chăm đến với du khách trong, ngoài nước nghiên cứu tìm hiểu.
Năm nay, tại nhà trưng bày hiện vật, sắp xếp giới thiệu những hiện vật gốc có giá trị và các hiện vật do các nhà sưu tập hiến tặng. Các nghệ nhân của huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc sẽ trình diễn kèn Saranai, thi nắn bánh gừng và trang trí lễ vật dâng cúng thần linh. Bên cạnh đó, du khách sẽ tham gia thi và thể hiện các điệu múa Chăm truyền thống như Biyen (múa chim công), Chron (múa gà tây) và Balaiy (múa bóng) trên nền nhạc cụ Chăm.
Khách tham quan còn có cơ hội xem và tìm hiểu 2 nghề truyền thống của người Chăm là dệt và làm gốm. Các nghệ nhân nổi tiếng sẽ trực tiếp trình diễn và giới thiệu nguồn gốc và ý nghĩa của 2 nghề truyền thống này, cũng như lưu giữ, phát triển nâng lên thành những sản phẩm mỹ nghệ phục vụ du lịch. Du khách sẽ được hướng dẫn cách nặn gốm dân dụng, mỹ nghệ và kỹ thuật dệt thổ cẩm…
Tại khuôn viên Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật dân gian chủ đề “Mừng hội Katê 2018”, đồng thời hướng dẫn du khách tham quan di tích kiến trúc lịch sử - văn hóa đền thờ Pô Klaong Mânai (thế kỷ 17) và chiêm ngưỡng bộ sưu tập kho mở Hoàng tộc Chăm tại làng Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh.
Tất cả những bộ sưu tập hiện vật được trưng bày và các hoạt động văn hóa phi vật thể ít nhiều phản ánh được diện mạo, đời sống văn hóa vật chất và tinh thần người Chăm của Bình Thuận từ giai đoạn cuối của Vương triều Champa cho đến ngày nay. Du khách sẽ được thỏa mãn khi đến tham quan, nghiên cứu tại điểm Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận trong dịp Katê này.