Ảnh minh họa |
Dự án được thực hiện tại các khu rừng, sinh cảnh nơi voi rừng cư trú, hành lang di chuyển của các quần thể voi hoang dã hiện có ở Việt Nam; tập trung ở các khu rừng đặc dụng và các khu rừng khác trên địa bàn các tỉnh trong cả nước có voi hoang dã phân bố (không bao gồm các tỉnh: Nghệ An, Đắk Lắk và Đồng Nai); các địa phương có các hoạt động mua bán trái phép ngà và mẫu vật voi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các thông tin bảo tồn voi trong cả nước thông qua các hoạt động như điều tra đánh giá quần thể, phạm vi phân bố, sinh cảnh tự nhiên, tình hình sinh sản của các đàn voi nhỏ lẻ ngoài 3 tỉnh đã lập dự án là Nghệ An, Đắk Lắk và Đồng Nai.
Cùng với đó, thực hiện kế hoạch bảo tồn tại chỗ các tiểu quần thể voi gắn với các quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững với các khu rừng đặc dụng có voi phân bố thông qua các hoạt động như quy hoạch vùng sinh cảnh sống và hành lang di chuyển cho voi; liên kết công tác bảo tồn voi với bảo tồn các loài động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm khác, thực hiện các biện pháp nhằm cải tạo môi trường sống của voi và hạn chế xung đột giữa voi với con người.
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 50 tỷ đồng, được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2014 đến 2015 và giai đoạn 2 từ 2016 đến 2020.
Theo thông tin Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, kết quả một số cuộc điều tra, khảo sát và tập hợp báo cáo của các địa phương từ năm 1995 đến nay cho thấy, trên phạm vi toàn quốc hiện chỉ còn 15 khu vực được xác định là có voi sinh sống với số lượng ước tính khoảng 75-130 con, phân bố chủ yếu dọc biên giới Việt-Lào và Việt-Campuchia, bao gồm các tỉnh: Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, các tỉnh Tây nguyên và tỉnh Đồng Nai. Các đàn voi sống rất phân tán và bị xé lẻ thành nhiều nhóm, đàn nhỏ; đàn lớn nhất không quá 10-20 con. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng nếu như không có những biện pháp quản lý tích cực đối với voi ở Việt Nam. |
Thanh Trúc