In bài viết

Khẩn trương dập dịch tai xanh tại Nam Định

(Chinhphu.vn) - Do diễn biến của dịch lợn tai xanh trên địa bàn tỉnh Nam Định rất phức tạp, nếu địa phương không khẩn trương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, nguy cơ dịch lây lan rộng trong tỉnh và sang các tỉnh lân cận là rất cao.

23/04/2013 08:47

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn - Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Cục Thú y, từ ngày 27/3/2013 đến ngày 17/4/2013, dịch tai xanh đã xảy ra tại 2.044 hộ gia đình, 17 xã thuộc 2 huyện Trực Ninh và Xuân Trường làm 12.009 con lợn mắc bệnh (chiếm tỷ lệ 60,55% so với cả nước), số lợn chết và tiêu hủy là 3.893 con (chiếm tỷ lệ 40,88% so với cả nước). 

Tuy nhiên, hiện nay công tác chống dịch tại địa phương còn nhiều bất cập, nhất là công tác thống kê tổng đàn lợn, số ốm, chết và tiêu hủy chưa kịp thời, chính xác. Việc triển khai công tác tiêm phòng bao vây ổ dịch chưa hiệu quả.

Để ngăn chặn kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, quản lý các ổ dịch đang xảy ra và không để dịch lây lan ra diện rộng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban ngành liên quan khẩn trương tập trung mọi lực lượng nhanh chóng dập tắt dịch, cách ly và xử lý lợn mắc bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và môi trường xung quanh.

Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ tỉnh Nam Định 80.000 liều vắc xin tai xanh để khống chế, kiểm soát dịch.

Các xã thành lập các Ban hoặc tổ công tác tổ chức thống kê cập nhật chính xác tổng đàn lợn, số lượng lợn ốm, chết và tiêu hủy, số lợn được tiêm phòng vắc xin tai xanh, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho từng người để thuận lợi cho việc phát hiện sai phạm và xử lý.

Đặc biệt, tạm dừng việc giết mổ lợn sữa tại các cơ sở giết mổ lợn sữa xuất khẩu trong tỉnh cho đến khi công bố hết dịch tai xanh trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh chủ động sử dụng ngân sách địa phương mua vắc xin tai xanh tiêm phòng bao vây ổ dịch. Thực hiện việc tổ chức tiêm và cấp giấy xác nhận tiêm phòng cho từng hộ chăn nuôi lợn đã được tiêm phòng, đồng thời lập sổ theo dõi ghi chép số lượng vắc xin đã sử dụng, tổ chức thu lại vỏ vắc xin nhằm ngăn chặn sự thoát lọt của vắc xin tai xanh ra ngoài thị trường.

Ngoài ra, thiết lập các chốt kiểm dịch, đội kiểm tra liên ngành kịp thời, trực 24/24 ở trục giao thông ra vào các xã có dịch để kiểm soát, xử lý việc vận chuyển, giết mổ mua bán lợn và sản phẩm từ lợn trong vùng dịch. Thành lập các Đoàn thanh kiểm tra thường trực 24/24 tại các huyện có dịch để kiểm tra, phát hiện, xử lý và công khai kịp thời các trường hợp vi phạm.

Thùy Trang

Tin liên quan:

Nam Định dập dịch lợn tai xanh

Không để dịch tai xanh lây lan rộng