Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn phối hợp với các lực lượng vũ trang và chính quyền cơ sở tổ chức giúp dân và các trường học khắc phục hậu quả lũ lụt |
18 người chết và mất tích vì mưa lũ; ách tắc nhiều tuyến đường
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính đến sáng 2/12, mưa lũ trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã làm 18 người chết và mất tích (Bình Định 03 người, Phú Yên 10 người, Khánh Hòa 02 người, Kon Tum 01 người, Đắk Lắk 02 người), tăng 08 người (Phú Yên 04 người, Khánh Hòa 02 người và 02 người tại Đắk Lắk) so với ngày 01/12.
Về giao thông mưa lũ gây ngập và sạt lở gây ách ách tắc nhiều tuyến đường: Tỉnh Quảng Nam (Quốc lộ 14H, 40B, Trường Sơn Đông); tỉnh Quảng Ngãi (Quốc lộ 24, 24C); tỉnh Bình Định: Quốc lộ 1 (tuyến tránh An Nhơn) và một số vị trí tại Quốc lộ 27C (thuộc xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh); tỉnh Phú Yên (Quốc lộ 19C, 25, 27, 29); tỉnh Kon Tum: 02 điểm Trường Sơn Đông.
Đến 21h00 ngày 01/11, Quốc lộ 40B (Quảng Nam), Quốc lộ 27C (Bình Định) và 02 điểm Trường Sơn Đông (KonTum) đã thông xe 01 làn, giao thông còn khó khăn.
Về nông nghiệp mưa lũ làm 775 ha lúa bị thiệt hại (Bình Định 176, Phú Yên 455, Đắk Lăk 10, Gia Lai 134); 617 ha hoa màu bị thiệt hại (Quảng Nam 228, Quảng Ngãi 26,5, Bình Định 72, Phú Yên 90, Gia Lai 200,5); 2.858 gia cầm bị chết (Bình Định 1.250, Phú Yên 1.608).
Về thủy lợi, 1.540m kè và 23.843m kênh mương hư hỏng (Binh Định 25.383m, Gia Lai: 6.262m), 9.310m bờ sông, bờ suối bị sạt lở (Bình Định 5.410m, Quảng Ngãi 3.900m).
Về giáo dục, còn 25.000 học sinh chưa đến trường tại các huyện: Phù Cát, Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn và khối Trường THPT.
Về thủy sản, có 03 tàu cá bị chìm (Bình Định 1; Phú Yên 1, Khánh Hoà 1); 02 sà lan (Khánh Hòa) đang thi công đập ngăn mặn sông Cái bị nước lũ cuốn trôi.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ trên vùng khu Đông huyện Tuy Phước. |
Huy động lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chông thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đăk Lăk triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 30/11/2021 và Công điện số 24/CĐ-QG ngày 30/11 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai về việc chủ động triển khai biện pháp ứng phó mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và công trình cơ sở hạ tầng.
Tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình có người bị chết, mất tích; huy động lực lượng giúp nhân dân vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả phục hồi sản xuất, ổn định đời sống ngay sau khi lũ rút.
Tổ chức rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại và kịp thời đề xuất nhu cầu hỗ trợ khi vượt quá khả năng khắc phục của địa phương.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, EVN tiếp tục theo dõi sát diễn biến dòng chảy đến hồ và ngập lụt phía hạ du để chỉ đạo vận hành hồ chứa theo quy định.
Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, rét đậm, rét hại triển khai ứng phó theo văn bản số 566/VPTT ngày 29/11/2021.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau tiếp tục triển khai theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và ứng phó với thời tiết nguy hiểm trên biển; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng trao quà, động viên bà con vùng lũ. |
Tuyệt đối không để hộ dân nào thiếu ăn, đứt bữa
Chiều 1/12, đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã đến kiểm tra tình hình đời sống, sinh hoạt của người dân vùng rốn lũ ở thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận và thôn Lộc Thượng, xã Phước Sơn.
Lũ lớn mấy ngày qua đã làm cô lập hàng trăm hộ dân sinh sống tại các thôn này, gây nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, công việc học hành, lao động sản xuất.
Ân cần thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn, thiệt hại về tài sản của bà con nhân dân; đồng thời trao quà hỗ trợ các gia đình sớm ổn định cuộc sống, đồng chí Hồ Quốc Dũng cũng đề nghị chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo chu đáo, giúp các gia đình bị thiệt hại do lũ lụt sớm ổn định cuộc sống.
Về lâu dài, yêu cầu địa phương quan tâm, xem xét, lên phương án di dời các hộ sinh sống tại các vùng trũng thấp đến tái định cư tại các nơi an toàn.
Đánh giá về công tác ứng phó với lũ lụt mấy ngày qua của chính quyền huyện Tuy Phước, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho rằng địa phương đã có phương án kịp thời, hiệu quả, sát tình hình; kịp thời sơ tán người dân vùng bị ngập lụt sâu đến nơi an toàn, không để xảy ra chết người do lũ lụt; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh cho người dân vùng bị nước lũ cô lập.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu Huyện ủy, UBND huyện Tuy Phước tập trung khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt ngay sau khi nước rút; xuất kinh phí dự phòng của địa phương để mua lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh hỗ trợ cho các gia đình gặp khó khăn, bị nước lũ cô lập dài ngày; tuyệt đối không để hộ gia đình nào bị thiếu ăn, đứt bữa.
Huy động lực lượng bộ đội, công an, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ tranh thủ nước lũ rút đến đâu khắc phục ngay các tuyến đê, kè, kênh mương, giao thông bị vỡ, sạt lở.
Tập trung công tác tiêu độc, khử trùng môi trường, giếng nước; khắc phục sa bồi thủy phá, hỗ trợ giống lúa để bà con nông dân chuẩn bị bước vào gieo sạ vụ Đông Xuân một cách tốt nhất...
Các hồ chứa thủy điện đang vận hành, điều tiết tích, xả nước qua tràn để đón lũ và cắt giảm lũ theo quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. |
Phú Yên: Lũ trên các sông giảm chậm
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, mưa lớn, lũ lụt ở Phú Yên từ ngày 26/11 đến nay đã làm 10 người chết và mất tích, hiện lũ trên các sông trên địa bàn tỉnh đang giảm chậm.
Từ 19 giờ ngày 1/12 đến 6 giờ 30 ngày 2/12, thời tiết khu vực tỉnh Phú Yên có mưa nhỏ, lượng mưa phổ biến từ 0,2-3,2mm. Từ 19 giờ ngày 26/11 đến 6 giờ ngày 2/12, mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh từ 219-698mm (lớn nhất tại xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh).
Hiện nay, lũ trên các sông trong tỉnh đang giảm chậm, mực nước đo được lúc 1 giờ ngày 2/12 trên sông Ba tại trạm Củng Sơn là 31,94m (dưới BĐ2: 0,06m); đạt đỉnh lũ 38,72m lúc 19 giờ ngày 30/11 (trên BĐ3: 4,22m), nhỏ hơn so mức lũ lịch sử năm 1993 là 1,18m. Mực nước lúc 4 giờ ngày 2/12 tại trạm Phú Lâm là 1,49m (dưới BĐ1: 0,21m); đạt đỉnh lũ 4,63m lúc 23 giờ ngày 30/11 (trên BĐ3: 0,93m), nhỏ hơn so mức lũ lịch sử năm 1993 là 0,58m.
Trên sông Kỳ Lộ tại trạm Hà Bằng là 6,75m (dưới BĐ1: 0,75m), đạt đỉnh l0,61m lúc 17 giờ ngày 30/11 (trên BĐ3: 1,11m), nhỏ hơn so mức lũ lịch sử (13,47m) năm 2009 là 2,86m. Trên sông Bánh Lái tại trạm Hòa Mỹ là 9,33m (dưới BĐ1: 1,17m). Hiện mực nước các sông suối trong tỉnh đang giảm chậm và đang ở mức trên dưới báo động 1.
Lúc 6 giờ ngày 2/12, hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả nước qua tràn và chạy máy 3.000 m3/s, hồ thủy điện Sông Hinh xả nước qua tràn và chạy máy 554,83m3/s, hồ thủy điện Krông HNăng xả nước qua tràn 232m3/s, hồ thủy điện La Hiêng 2 chảy qua tràn và chạy máy 26,5m3/s. Các hồ thủy lợi lớn đang xả lũ từ 9-21,7m3/s.
Các hồ chứa thủy điện đang vận hành, điều tiết tích, xả nước qua tràn để đón lũ và cắt giảm lũ theo quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.
Các chiến sĩ bộ đội đưa người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. |
Mưa lũ làm 4 người chết, 6 người mất tích
Về thiệt hại, tính đến 6 giờ 30 ngày 2/12, trên địa bàn tỉnh có 4 người chết (Sơn Hòa: 2 người; Tây Hòa: 1 người; TX Sông Cầu: 1 người) và 6 người mất tích khi sơ tán tránh lũ bị nước lũ cuốn trôi (Đông Hòa: 1 người; Phú Hòa: 3 người; TP Tuy Hòa: 2 người).
Có khoảng 2.965 nhà bị ngập nước, 4 nhà bị hư hỏng hoàn toàn; khoảng 470ha lúa vụ mùa bị ngập nước, ngã đổ và 335ha hoa màu, 1.360ha cây trồng khác bị thiệt hại; khoảng 600 con gia súc và hơn 18.730 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Về thủy sản, có 1 tàu cá bị chìm trên biển; 1,9ha tôm nuôi bị vỡ hồ, cuốn trôi. Về thủy lợi, 19.377m kênh mương bị ngã đổ, hư hỏng; sạt lở, bồi lấp đất đá khoảng 36.900m3.
Về giao thông, các tuyến đường tỉnh, huyện, xã bị ngập sâu, bị chia cắt tại một số vị trí ngầm, tràn, mức ngập phổ biến từ 0,2-0,4m, gây ách tắc giao thông; sạt lở bồi lấp, sụt lún nền đường, mặt đường, với khối lượng hơn 11.00m3 đất đá…
Lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ. |
Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Trước đó, chiều 1/12, đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai do ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục sau mưa lũ tại Phú Yên.
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã kiểm tra thực địa tại một số khu dân cư bị ngập lụt ở các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh và kiểm tra công tác vận hành, điều tiết xả lũ tại hồ thủy điện Sông Ba Hạ.
Lực lượng cứu hộ đưa em bé sơ sinh chưa đầy 1 tháng tuổi vượt dòng lũ dữ trong đêm đến nơi an toàn. |
Theo Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, mưa lũ tại Phú Yên những ngày qua là rất lớn, gây ngập hàng ngàn hộ dân. Chính quyền địa phương đã triển khai rất tốt việc di dời người dân đến nơi an toàn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Chủ các hồ chứa đã kịp thời nắm bắt diễn biến mưa lũ và triều cường để điều hành xả lũ linh hoạt. Tuy nhiên, nếu chủ động hạ mực nước hồ chứa thì sẽ giảm thiểu được việc gây ngập lụt cho hạ du mà vẫn đảm bảo an toàn cho hồ đập.
Ngay sau khi lũ rút, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị Phú Yên khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, nhất là những gia đình có thiệt hại về người và nhà ở, kịp thời ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất.
Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên động viên cán bộ, nhân dân huyện Sông Hinh. |
Tập trung cứu hộ, cứu nạn người dân vùng lũ; không lơ là chống dịch
Chiều 1/12, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tổ chức thăm hỏi, động viên các địa phương và các gia đình có người bị nạn do mưa lũ.
Tổ đại biểu số 1 do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cùng các đại biểu đã đến thăm, tặng quà cho các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa và TX Đông Hòa.
Với tinh thần chia sẻ những khó khăn, mất mát với địa phương, người dân vùng lũ, các ĐBQH tỉnh Phú Yên đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tỉnh 300 triệu đồng. Trong đó, 9 huyện, thị xã, thành phố, mỗi địa phương được hỗ trợ 30 triệu đồng. Số tiền còn lại đoàn thăm, hỗ trợ các gia đình có người chết, mất tích do mưa lũ, mỗi trường hợp được hỗ trợ 5 triệu đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương yêu cầu các địa phương thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn 205/CV-TU ngày 30/11, trong đó lưu ý tập trung cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân, chăm lo tốt công tác an sinh; đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch. Công an, quân sự, biên phòng vừa hỗ trợ các địa phương trong việc cứu hộ cứu nạn, vừa tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, không mất cảnh giác, lơ là với công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chiều cùng ngày, tổ đại biểu số 2 do ông Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, cùng đại biểu Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cũng đã mang các suất quà nói trên trực tiếp thăm hỏi, trao tặng cho các huyện Tuy An, Đồng Xuân, TX Sông Cầu; và các gia đình có người không may bị tử vong, mất tích do mưa lũ.