Theo số liệu của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 cho 5 địa phương với tổng số vốn là 26.659,875 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn ngân sách Trung ương là: 5.711,919 tỷ đồng, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là 20.947,956 tỷ đồng…
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến 15/5/2022 giải ngân được 5.505,997 tỷ đồng, đạt 20,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022.
Trong đó, nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 4.181,926 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch. Nguồn ngân sách Trung ương đã giải ngân 1.283,343 tỷ đồng, đạt 25,8% kế hoạch. Nguồn vốn ngoài nước (ODA) đã giải ngân 40,728 tỷ đồng, đạt 5,5% kế hoạch.
Dự kiến giải ngân đến hết 31/5/2022 là 6.458,346 tỷ đồng, bình quân đạt 24,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (tỉnh Bình Thuận dự kiến cao nhất là 42,2%, tỉnh Bình Phước dự kiến thấp nhất trong 5 tỉnh là 20%). Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương là 23,4% kế hoạch, vốn ngân sách Trung ương là 30,5%, vốn ODA là 5,9% kế hoạch.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo bộ, ngành liên quan cùng các địa phương đã trao đổi về tiến độ cũng như các vướng mắc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn cho rằng, còn nhiều vướng mắc về thể chế, quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan.
Thẩm quyền trong việc kéo dài thời gian thực hiện, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm của các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương còn chưa linh hoạt. Bên cạnh đó, việc trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư từng dự án đầu tư công do tỉnh quản lý mất rất nhiều thời gian do phụ thuộc vào kỳ họp HĐND tỉnh theo đúng quy định (thường chỉ 2-3 kỳ họp/năm), dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu về thời gian báo cáo các cơ quan Trung ương theo quy định.
Việc chia tách giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, theo quy định tại Điều 5 Luật Đầu tư công, việc tách riêng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập để thực hiện trước, tuy nhiên chỉ áp dụng đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A.
Đối với các loại dự án còn lại (nhóm B, C), công tác GPMB chỉ được triển khai tại bước thực hiện dự án, tức là sau khi dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư và quyết định dự án đầu tư, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân khi chưa có sẵn mặt bằng thi công.
Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc về cơ quan chuẩn bị đầu tư, đơn giá định mức chi phí tư vấn, về thẩm quyền thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở…
Ông Lê Ngọc Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận đề nghị có văn bản hướng dẫn việc bố trí vốn đầu tư công để thực hiện công tác bồi thường, GPMB tạo quỹ đất sạch đấu giá tạo nguồn thu ngân sách địa phương làm cơ sở để phân khai cho các dự án đền bù tạo quỹ đất của tỉnh trong năm 2022.
Bên cạnh đó, cần sớm giao kế hoạch bổ sung dự toán ngân sách Trung ương cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đề nghị hướng dẫn xử lý việc tăng giá nguyên nhiên vật liệu để địa phương có căn cứ thực hiện. Lãnh đạo Bình Phước cũng đề nghị cho phép địa phương trình HĐND tỉnh phân bổ vốn theo kế hoạch vốn của năm trước 6 tháng (đối với nguồn ngân sách địa phương) để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế bản vẽ thi công - dự toán…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tổng hợp các ý kiến của bộ, ngành, địa phương liên quan về những vướng mắc, từ đó, báo cáo trình lãnh đạo Chính phủ các giải pháp tháo gỡ.
Đánh giá về tình hình giải ngân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thẳng thắn cho rằng, tiến độ quá chậm so với yêu cầu, mục tiêu của lãnh đạo Chính phủ giao từ đầu năm. Đó là chưa cộng đến các chỉ tiêu khác như nguồn thu vượt ngân sách, chương trình kích cầu, chương trình mục tiêu quốc gia, thì tỉ lệ tương đối số giải ngân còn thấp hơn.
Về bối cảnh hiện nay, lạm phát thế giới tăng, giá cả trong nước tăng, tăng giá xăng dầu, thép, vật liệu xây dựng, nhân công… cần có giải pháp phù hợp.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu DN đang thắt chặt, DN sẽ gặp khó khăn hơn trong tiếp cận vốn. Lãnh đạo Bộ Tài chính dẫn chứng trường hợp có nhà thầu hoạt động cầm chừng vì giá lên, nhưng thực tế làm càng chậm, chi phí càng tăng, thì càng lỗ. Thậm chí dẫn tới hệ lụy DN gặp khó khăn, mất năng lực tài chính. Điều này dẫn tới rủi ro mới về thu hồi vốn vì số tiền Nhà nước ứng cho DN lại không thu hồi được. Do đó, các đơn vị cần đẩy mạnh phối hợp, động viên các DN thi công nhanh. Cần tập trung tháo gỡ cho DN để đẩy nhanh tiến độ dự án, nhanh chóng hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, chống lạm phát, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Với công trình chuẩn bị làm thủ tục đấu thầu, Bộ trưởng Tài chính lưu ý nên thực hiện theo gói thầu đơn giá điều chỉnh, đây là giải pháp phù hợp trong bối cảnh giá cả biến động, tạo thuận lợi cho DN cũng như Nhà nước thanh quyết toán.
Lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định, thủ tục đầu tư hiện nay đã bộc lộ những điểm rườm rà, tạo nút thắt khi triển khai. Trong Luật Đầu tư công gộp nhiều hạng mục khiến việc chậm diễn ra ở nhiều khâu, tác động lẫn nhau gây chậm trễ chung.
Trong đó, nút thắt về đền bù GPMB cần sớm tháo gỡ. Do khâu chuẩn bị mất khá nhiều thời gian, các đơn vị chủ động sáng tạo, cần phải đi trước một bước, bảo đảm khi đấu thầu xong đã hoàn tất các khâu chuẩn bị, bao gồm cả mặt bằng để triển khai dự án đầu tư nhanh chóng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị lãnh đạo các địa phương phải phân công rõ, cử lãnh đạo tỉnh (ví dụ cấp phó) đôn đốc các sở, ngành thường xuyên giải quyết vướng mắc nhanh ngay tại hiện trường. Không để tồn tại tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu.
Về GPMB chậm, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, đây là điểm nghẽn kéo dài, do nhiều nguyên nhân như nguồn gốc đất, xung đột về giá đền bù. Các nội dung về hệ số đền bù trong thẩm quyền UBND tỉnh cần áp dụng theo luật, cũng như thỏa thuận (tuỳ theo tính chất dự án) để tháo gỡ khó khăn.
Riêng về hoạt động thanh toán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định đã chỉ đạo sát sao, ngay khi có khối lượng tập trung nghiệm thu, đủ hồ sơ gửi kho bạc thanh toán kịp thời trong ngày làm việc hoặc không quá 3 ngày.
"Bộ Tài chính đã có chỉ đạo, trường hợp nào Kho bạc bị phản ánh "làm khó, làm chậm" sẽ lập tức cho thanh tra, kỷ luật ngay những cán bộ liên quan", lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Ngành tài chính đang quyết liệt thực Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022 cũng như các chỉ đạo liên quan. Trong đó, có việc mở rộng việc tách giải phóng mặt bằng (không chỉ đối với dự án nhóm A và công trình trọng điểm quốc gia) cũng như các điều chỉnh khác bảo đảm linh hoạt hơn khi triển khai.
Bộ Tài chính đang tổng hợp các ý kiến, kiến nghị cùng các bộ, ngành liên quan sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn, để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa hoặc ban hành Nghị quyết.
Trao đổi với các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phân tích, trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, nhiệm vụ đặt ra phải tập trung phục hồi kinh tế. Trong đó, một động lực tăng trưởng là thúc đẩy đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, đây là giải pháp trọng tâm.
Đảng, Nhà nước đã tập trung xây dựng chương trình phục hồi kinh tế lên tới 350.000 tỷ đồng, trong đó tài khóa, chính sách tài khóa chiếm tỷ trọng khá lớn. Phần lớn nhất, khoảng 1/3 của cả gói, tương đương với gần 114.000 tỷ đồng sẽ chi cho phát triển kết cấu hạ tầng.
"Khi không có cầu kéo, khó khôi phục nền kinh tế. Do đó, yêu cầu đặt ra phải tăng cường giải ngân đầu tư công, càng giải ngân đầu tư công càng phục hồi kinh tế nhanh, tăng thu ngân sách, cần coi đây là nhiệm vụ trọng yếu tập trung thực hiện", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lưu ý.
Huy Thắng