Ảnh minh họa |
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách quản lý quy hoạch và mô hình quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong Vùng Thủ đô.
Đồng thời Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế nghiên cứu kỹ thực trạng và đề xuất quy hoạch cụ thể các cơ sở đào tạo (đại học, cao đẳng) và các cơ sở y tế (khám, chữa bệnh) cần di dời ra địa điểm mới thuộc các địa phương trong Vùng Thủ đô.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành liên quan và địa phương thống nhất phương án tuyến đường vành đai 5, bảo đảm kết nối tốt các địa phương trong Vùng với các đường vành đai và đường hướng tâm của Hà Nội; hoàn thiện quy hoạch hệ thống giao thông vận tải trong Vùng Thủ đô theo hướng đồng bộ, thống nhất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát hệ thống thủy lợi, đê điều và nghiên cứu các phương án ứng phó biến đổi khí hậu, phối hợp với Bộ Xây dựng cập nhật thông tin để có giải pháp quy hoạch phù hợp trong quá trình lập Điều chỉnh Quy hoạch Vùng Thủ đô.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng sớm thống nhất quy hoạch các công trình thể thao cấp vùng phục vụ tốt ASIAD 18 (2019) để bổ sung quy hoạch. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các khu vực phát triển du lịch, các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử Vùng Thủ đô trong quá trình phát triển đô thị.
UBND các tỉnh, thành phố trong Vùng chủ động rà soát nội dung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng và các quy hoạch liên quan bảo đảm sự khớp nối, phù hợp với Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô.
Vùng Thủ đô Hà Nội, theo Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hoà Bình. Sau khi Hà Nội được mở rộng, Vùng Thủ đô được bổ sung thêm 3 tỉnh mới là Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang, nâng tổng diện tích toàn Vùng lên 24.315 km2, quy mô dân số xấp xỉ 17,5 triệu người, chiếm gần 20% cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Vùng luôn duy trì ở mức cao và ổn định, tổng GDP năm 2012 đạt khoảng 646.730 tỷ đồng, chiếm 21,72% cả nước, GDP bình quân đầu người đạt 1.748 USD. |
Phan Hiển