Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thăm hỏi, động viên người dân tại nơi sơ tán. |
Tại phiên họp giao ban công tác chỉ đạo điều hành ứng phó bão số 9, sáng 24/11, các thành viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, hiện đã có 6 tỉnh đã ban hành lệnh cấm biển: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Tp Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre.
Theo báo cáo trực tiếp qua điện thoại của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Tiền Giang và Trà Vinh, tính đến 9h sáng ngày 24/11, không còn phương tiện hoạt động trong khu vực nguy hiểm.
Đã có 4 tỉnh/thành phố có phương án, thời hạn cụ thể hoàn thành việc di dời dân cư: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) đã di dời xong 199 hộ/934 người; huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) dự kiến di dời 4.151 người (với gió cấp bão) và 1.928 người (với gió cấp ATNĐ); đối với tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu dự kiến di dời khi bão ảnh hưởng là 42.423 hộ/158.534 người.
Về tình hình sản xuất nông nghiệp, khu vực Tây Nguyên, đã thu hoạch 88% diện tích lúa mùa, còn 17,8 ngàn ha. Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ đã thu hoạch được 66% diện tích lúa mùa, diện tích còn lại chưa thu hoạch khoảng 43,7 ngàn ha. Khu vực Đông Nam Bộ đã thu hoạch được 21%, còn 75 ngàn ha lúa mùa. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 55% diện tích lúa Thu Đông, còn lại 328 ngàn ha.
Kết luận cuộc họp giao ban, Ông Nguyễn Trường Sơn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai kiêm Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các bộ ngành địa phương: Thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc ứng phó với bão số 9 và mưa lũ.
Khẩn trương sơ tán dân xong trước 12h00 ngày 24/11/2018; tổ chức cấm biển phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện nghiêm khi có lệnh.
Khẩn trương kiểm tra, rà soát việc chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng, hạn chế thiệt hại do dông, lốc có thể xảy ra.
Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; bố trí lực lượng, nhân lực, vật tư, phương tiện để kịp thời ứng phó, di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm.
Thường xuyên theo dõi và sẵn sàng ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển tại các khu vực xung yếu, bảo vệ các tuyến đê, kè biển bị sự cố, đang thi công.
Các địa phương rà soát, kiểm tra theo phương án đã xây dựng đảm bảo sát với thực tế để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ sau bão, giông, lốc xoáy khu vực Nam Bộ, nhất là những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; xử lý kịp thời sự cố đối với tuyến đê, kè biển bảo vệ trực tiếp khu dân cư đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của người dân.
Các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên ảnh hưởng của hoàn lưu bão và không khí lạnh tập trung chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mưa, lũ, ngập lụt và đảm bảo an toàn hồ chứa.
Bộ Giao thông vận tải theo dõi, giám sát, đôn đốc các địa phương, các đơn vị liên quan để có phương án ứng phó và đảm bảo an toàn cho hành khách.
Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan sẵn sàng phương án ứng phó và kiểm tra ngay hệ thống thông tin liên lạc ở hạ du các hồ thủy điện. Tổng cục Thủy lợi kiểm tra phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp, hồ đầy nước, chuẩn bị xả, hạ du các hồ chứa có nguy cơ. Ứng trực 24/24h tại các hồ xung yếu; theo dõi chặt chẽ, đôn đốc các địa phương và các chủ hồ chủ động các biện pháp ứng phó. Bộ phận trực hồ tính toán tham mưu điều hành kịp thời;…