In bài viết

Khẩn trương thành lập Tiểu ban tiếp nhận người lao động tự do về tỉnh

(Chinhphu.vn) - Lãnh đạo tỉnh An Giang luôn thống nhất quan điểm “người dân về tới nhà thì phải đón”. Tuy nhiên, việc tiếp đón, bố trí cách ly, quản lý phải đảm bảo an toàn cho người dân và công tác phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu khẩn trương thành lập Tiểu ban tiếp nhận người lao động tự do, phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước làm trưởng tiểu ban; xây dựng kế hoạch triển khai để có phương án tiếp nhận phù hợp.

03/10/2021 18:55

An Giang họp trực tuyến đột xuất bàn công tác ứng phó tình hình nhiều người dân tự phát về từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai…

Ngày 3/10, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chủ trì cuộc họp trực tuyến đột xuất giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp trong tỉnh để bàn công tác ứng phó tình hình nhiều người dân tự phát về từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai…

Theo thống kê, từ ngày 1/10 đến sáng 3/10, có hơn 15.000 người về từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai… Tỉnh An Giang đã tập trung sàng lọc, test nhanh để khẩn trương đưa bà con về các địa phương để kịp thời cách ly, kiểm soát.

Hầu hết người dân có hoàn cảnh khó khăn, có nhiều người già, trẻ em, phụ nữ mang thai… Lãnh đạo tỉnh An Giang luôn thống nhất quan điểm “người dân về tới nhà thì phải đón”. Tuy nhiên, việc tiếp đón, bố trí cách ly, quản lý phải đảm bảo an toàn cho người dân và công tác phòng, chống dịch. Trong khi điều kiện của tỉnh hiện rất khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp ở một số địa phương…

Tại cuộc họp, các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành, 11 địa phương nêu ý kiến để đảm bảo thực hiện tốt việc quản lý F0, F1, F2; hướng dẫn để người dân tự phòng vệ, dự phòng tình huống nhiều người về; kiểm soát được người về, quản lý địa bàn; đẩy mạnh rà soát nguồn lực, huy động toàn lực để chăm lo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đồng tình với ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thống nhất phương án xử lý tình huống “người dân về tới cửa ngõ thì phải tiếp đón”. Qua đó, ông yêu cầu các ngành chức năng phải dự tính để có phương án phù hợp; quản lý chặt chẽ các trường hợp để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Nhất là, phải ổn định tư tưởng người dân tại địa phương, cùng với tăng cường khuyến cáo những người trở về phải chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch. Huy động mọi nguồn lực, tăng cường xã hội hóa, tập trung chăm lo sức khỏe và an toàn của nhân dân là trên hết…

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình rất chia sẻ với bà con khi di chuyển quãng đường xa, mưa gió, nắng nôi…, nên việc tiếp đón còn thể hiện tính nhân văn, nhân đạo.

Trong khi dịch bệnh còn phức tạp, tỉnh khuyến cáo bà con chia sẻ khó khăn của tỉnh; các gia đình vận động người thân tiếp tục “ai ở đâu ở đấy”, không trở về tự phát trong lúc này sẽ gây quá tải, áp lực lớn cho địa phương.

Ngay trong hôm nay, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu khẩn trương thành lập Tiểu ban tiếp nhận người lao động tự do, phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước làm trưởng tiểu ban; xây dựng kế hoạch triển khai để có phương án tiếp nhận phù hợp.

Yêu cầu mỗi huyện, thị xã, thành phố thành lập Tổ công tác tiền phương (phối hợp y tế test nhanh người về tại cửa ngõ TP. Long Xuyên) và Tổ công tác hậu phương (bố trí sàng lọc, cách ly ở địa phương), chọn nơi tiếp nhận đảm bảo giãn cách.

Sở Y tế bố trí cơ số mẫu test, huy động nhân lực (kể cả y tế tư nhân) để đảm bảo test nhanh ở cửa ngõ Vàm Cống để nhanh chóng bố trí về các địa phương.

Lực lượng công an phối hợp đưa đón, hộ tống đưa người về các địa phương phải đảm bảo phân luồng, tránh lây nhiễm chéo. Việc bố trí ở các khu cách ly phải đảm bảo giãn cách, tuân thủ “5K”, “5T”.

Về cách ly tại nhà, giao lãnh đạo địa phương phối hợp ngành y tế, nơi nào an toàn mới có thể cách ly tại nhà (có kiểm tra thường xuyên); đối với người tiếp xúc F0 thì phải cách ly tập trung.

Đề nghị lãnh đạo 11 huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền nhân dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Tất cả người dân nếu không có việc cần thiết thì không được ra đường; di chuyển phải có giấy tờ hợp lý. Đồng thời, phải tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm, không để người dân di chuyển quá nhiều.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu vận động xã hội hóa các cơ sở lưu trú để cách ly tập trung; vừa phòng chống dịch, vừa tiếp nhận người và  đảm bảo an ninh trật tự. Tỉnh thống nhất hỗ trợ 500 triệu đồng cho mỗi huyện, thị xã, thành phố; tạm thời hỗ trợ 50% tiền ăn của người dân trong 7 ngày đầu cách ly tập trung…

Từ ngày 1/10 đến sáng 3/10, An Giang có hơn 15.000 người về từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai…

* Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền đã ký Công văn 3159/SYT-NVY gửi UBND huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đối với người dân tự phát về từ các tỉnh, thành phố có dịch COVID-19.

Trước thực trạng một số người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch tự phát di chuyển về quê An Giang, có nguy cơ lây nhiễm cho người dân, gây bùng phát dịch bệnh khi độ bao phủ vaccine COVID-19 trong tỉnh còn thấp.

Do đó, Sở Y tế hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đối với người dân tự phát đi về từ các tỉnh, thành phố có dịch COVID-19 như sau:

Thứ nhất, đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (có chứng nhận tiêm chủng trên sổ sức khỏe điện tử hoặc có giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều của cơ sở tiêm chủng trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có giấy chứng nhận xét nghiệm dương tính với SARS-COV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn không quá 6 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương và có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện): Trước khi về An Giang phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật PCR trong thời hạn 3 ngày hoặc test nhanh kháng nguyên trong vòng 24 giờ (hoặc thực hiện ngay tại chốt kiểm soát dịch).

Tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương, luôn thực hiện thông điệp "5K" và thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7.

Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì chuyển đến cơ sở cách ly điều trị theo quy định.

Thứ hai, đối với những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19: Trước khi về An Giang phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật PCR trong thời hạn 3 ngày hoặc test nhanh kháng nguyên trong vòng 24 giờ (hoặc thực hiện ngay tại chốt kiểm soát dịch).

Thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung thời gian 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương, tiếp tục cách ly y tế tại nhà trong thời gian 7 ngày tiếp theo (nếu điều kiện cách ly y tế tại nhà đảm bảo).

Xét nghiệm 3 lần với SARS-CoV-2 vào ngày thứ 3, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 trong thời gian cách ly y tế tại nhà. Trường hợp cách ly y tế tại nhà không đủ điều kiện sẽ thực hiện cách ly tại cơ sở cách ly tập trung thêm 7 ngày nữa và xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 14.

Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-COV-2 thì chuyển đến cơ sở cách ly điều trị theo quy định.

Chi phí thực hiện các xét nghiệm SARS-CoV-2 và cách ly y tế tập trung do cá nhân tự chi trả theo quy định hiện hành.

Trường hợp công dân An Giang đang sinh sống, làm việc, học tập từ các tỉnh thành phố có dịch COVID-19 có nguyện vọng trở về An Giang có thể tiếp tục đăng ký để được đón về quê theo Kế hoạch  01/KH-BTC, ngày 15/9/2021 của Ban Tổ chức đón công dân tỉnh An Giang./.