Đoàn công tác do ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục PCTT làm trưởng đoàn. Cùng đi có đồng chí Trần Công Tuyên, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều. Phía đoàn Thanh Hóa có đồng chí Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở và Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa.
Nhận định, đây là sự cố nghiêm trọng, gây mất an toàn chống lũ của đê, đồng chí Phạm Đức Luận đã đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.
Thứ nhất, Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố, sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực để kịp thời xử lý các hình huống phát sinh ngay từ giờ đầu, không để sự cố phát triển thêm.
Cùng với đó tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban bố tình huống khẩn cấp; đồng thời xác định đoạn đê tả Mã khu vực xảy ra sự cố là trọng điểm đê điều xung yếu năm 2022, khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm.
Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa cần khẩn trương tổ chức khảo sát, đánh giá nguyên nhân sự cố, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp và huy động mọi nguồn lực để tổ chức xử lý khẩn cấp sự cố nghiêm trọng nêu trên, đảm bảo ổn định lâu dài cho tuyến đê.
Trước đó, từ ngày 2/9 đến 4/10, hầu khắp các nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có lượng mưa rất lớn. Đến ngày 1/10, đoạn đê tả sông Mã đoạn qua xã Hoằng Đại xuất hiện hiện tượng sạt, sụt lún. Hiện tượng sụt lún đê kéo dài đến ngày 4.10, với chiều dài khoảng 1 km (từ K49+950 đến K50+950).
Hôm qua (8/10), ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa, cho biết đơn vị này đã có báo cáo gửi Bộ NN&PTNT về hiện tượng sụt lún này. Được biết đây là đê cấp 2 (Cấp Trung ương do Bộ NN&PTNT quản lý).
Đỗ Hương