Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ khánh thành 10 cây cầu giao thông nông thôn tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Tại buổi lễ, Bí thư huyện Cần Giuộc, ông Phạm Văn Bốn cho biết, mặc dù có vị trí thuận lợi tiếp giáp với TPHCM, nhưng do địa hình nhiều kênh rạch, giao thông đường bộ không thuận lợi nên huyện Cần Giuộc vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát triển.
Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương, chính quyền huyện đang tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, hiện Cần Giuộc được UBND tỉnh Long An quy hoạch trở thành một trong những huyện trọng điểm về phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, do hệ thống giao thông đường bộ kết nối giữa các địa bàn trong huyện còn yếu kém, người dân vẫn phải đi trên các cây cầu tạm, cầu khỉ đã xuống cấp nên những thành quả đạt được rất hạn chế.
Nhận thấy những khó khăn trên của huyện, trong một lần về thăm huyện, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề nghị huyện rà soát, lập dự án đầu tư xây dựng cầu giao thông, nhất là những cầu trọng điểm trên địa bàn. Đồng thời, nguyên Chủ tịch nước đã kêu gọi sự hỗ trợ, đóng góp của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Long An tham gia cùng với chính quyền huyện triển khai.
Sau một thời gian thi công, đến nay trên địa bàn các xã Tân Tập, Phước Vĩnh Đông, Đông Thạnh, Phước Vĩnh Tây, Phước Lại đã có 10 cây cầu giao thông nông thôn bằng bê tông kiên cố, với tổng số vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng. Qua đó, góp phần cải thiện đáng kể hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân trong vùng đi lại thuận lợi, giảm chi phí và thời gian vận chuyển các loại nông sản cho người dân.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng hoa các nhà tài trợ xây dựng 10 cây cầu giao thông nông thôn tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Phát biểu với các nhà tài trợ và bà con trong lễ khánh thành, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, trong thời kỳ kháng chiến, huyện Cần Giuộc được gọi là vùng hạ của tỉnh Long An. Đây là địa bàn đi lại rất khó khăn do kênh rạch chằng chịt. Do đó, việc đưa vào sử dụng 10 cây cầu giao thông này là niềm vui lớn, đáp ứng mong mỏi của bà con ở đây. Tuy không lớn về quy mô và giá trị nhưng mang nhiều ý nghĩa, ngoài giúp đi lại và giao thương thuận tiện, nâng cao đời sống cho bà con, những cây cầu nông thôn nhỏ này còn giúp kết nối, góp phần khai thác hiệu quả các công trình giao thông lớn đã được Nhà nước đầu tư.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị lãnh đạo huyện Cần Giuộc, ngoài đảm bảo đưa vào sử dụng hiệu quả 10 cây cầu, cần quan tâm ngay đến việc lập quy hoạch kết nối, hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn, đáp ứng sự phát triển cho Cần Giuộc trong thời gian tới.
10 cầu giao thông được hoàn thành: Cầu Thủy (xã Đông Thạnh) dài 12,6 m; cầu Tân Đại (xã Tân Tập) dài 12,6 m; cầu Chánh Thôn (xã Phước Vĩnh Tây) dài 30 m; cầu số 2 (xã Phước Lại) dài 27,7 m; cầu số 3 (xã Phước Lại) dài 21 m; cầu Ông Ngoi (xã Phước Lại) dài 27,6 m; cầu Đông An (xã Phước Vình Đông) dài 30,7 m; cầu Kênh Ấp (xã Phước Vĩnh Tây) dài 30,7 m; cầu Bảo Hòa (xã Phước Vình Tây) dài 18,6 m và cầu Tân Quý - Tân Đại (xã Tân Tập) dài 9,6 m. Tải trọng mỗi cây cầu đạt 2,5 tấn. |
Mạnh Hùng