Quang cảnh lễ khánh thành. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, các thầy cô giáo và đông đảo các thế hệ học sinh miền Nam học tập tại Vĩnh Phúc qua các thời kỳ và hàng nghìn học sinh trong tỉnh đã tham dự buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thầy cô giáo và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc năm xưa đã đùm bọc, che chở cho những học sinh miền Nam còn nhỏ tuổi đã phải xa gia đình, cha mẹ ra học tập tại tỉnh Vĩnh Phúc trong thời kỳ chiến tranh vô cùng ác liệt và gian khổ.
“Vượt lên trên mọi giá trị vật chất, biểu tượng tri ân mang tên “Lòng Mẹ” của học sinh miền Nam đối với nhân dân Vĩnh Phúc là một món quà tinh thần quý giá của tình cảm Bắc Nam, của đạo lý nghĩa tình mà dân tộc chúng ta ngàn đời lưu giữ như báu vật và phát huy qua mọi thời kỳ phát triển”, Phó Thủ tướng xúc động bày tỏ.
Phó Thủ tướng Thường trực đã ôn lại những ngày tháng mà hơn 32.000 học sinh miền Nam qua các thời kỳ được sống và học tập dưới nhiều mái trường miền Bắc thân thương, trong đó có hơn 4.000 học sinh miền Nam tại tỉnh Vĩnh Phúc. Trong giai đoạn chỉ một năm được sống cùng nhân dân đó đã nảy sinh biết bao câu chuyện ân tình mà mãi đến nay, nửa thế kỷ đã trôi qua các cựu học sinh miền Nam Vĩnh Phú vẫn khắc ghi trong ký ức.
Phó Thủ tướng tặng quà đại diện Ban Liên lạc Học sinh miền Nam. Ảnh VGP/Lê Sơn |
Các học sinh miền Nam năm ấy vẫn kể lại với nhau về những tình cảm mà đồng bào Mộ Đạo, Lý Nhân ở huyện Bình Xuyên đã dành chỗ ở tốt nhất cho học sinh niền Nam. Nhà có miếng ngon học sinh miền Nam luôn có phần. Lưng bát cơm nguội chan tương mà cô bác chủ nhà dành cho cô, cậu học sinh những buổi tối đói lòng đã được các bạn học sinh miền Nam nhiều năm sau nhớ lại ví von quý hơn bao sơn hào, hải vị. Cả những trò nghịch phá dại khờ của tuổi thơ xa cha mẹ cũng luôn được thầy cô và đồng bào cảm thông, xí xóa với lòng bao dung.
Phó Thủ tướng bày tỏ, dường như tất cả sự nhường nhịn, yêu thương chăm sóc ấy của đồng bào, của các thầy cô giáo được phân công trực tiếp nuôi dạy học sinh miền Nam, của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Vĩnh Phú nói riêng và các tỉnh thành miền Bắc có học sinh miền Nam trú đóng nói chung đều xuất phát từ suy nghĩ chân thành “đây là con em miền Nam, miền Nam đang ở tuyến đầu của cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.
Tình nghĩa Bắc Nam hòa quyện đã trở thành nền tảng cho mối quan hệ đặc biệt giữa học sinh miền Nam với thầy cô giáo, với đồng bào nơi họ sống và học tập. Cũng chính mối quan hệ tình nghĩa đặc biệt ấy đã khiến cho các bạn học sinh miền Nam rất nhiều năm sau luôn ghi nhớ, luôn thôi thúc được tri ân bằng chính nỗ lực rèn luyện của bản thân mình.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi lưu bút. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Học sinh miền Nam Vĩnh Phú từ cái nôi nuôi dạy thấm đẫm yêu thương, chân tình của nhà trường và thầy cô ở các trường mang tên Bến Tre, Võ Thị Sáu, sau đó là Trường học sinh miền Nam số 2 Vĩnh Yên, số 8, số 9 Tam Đảo, Trường E1171 Tam Dương… đã trưởng thành và đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
Sau ngày thống nhất đất nước, hầu hết các "hạt giống đỏ" được ươm trồng trên đất Bắc về lại miền Nam, trở thành lực lượng nòng cốt góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng. Nhiều người đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sĩ, doanh nhân uy tín, có nhiều đóng góp cho xã hội. Hàng trăm học sinh miền Nam đã đạt được học vị tiến sĩ, đã được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động, đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ, các tướng lĩnh quân đội và công an, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, người đứng đầu tập đoàn kinh tế lớn... Ngày hôm nay, dù đã thành đạt đến đâu, dù đã ở cương vị nào, họ biết rõ rằng học sinh miền Nam, trong đó có học sinh miền Nam Vĩnh Phú vẫn luôn ghi nhớ trong sự thành đạt của mình có phần góp công, góp tình của các thầy cô, của đồng bào Vĩnh Phú năm xưa, Vĩnh Phúc hôm nay.
“Sự hy sinh phấn đấu của học sinh miền Nam đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Các cựu học sinh miền Nam đã xây dựng và luôn giữ vững truyền thống tuyệt đối trung thành với Đảng, Bác Hồ, Tổ quốc và nhân dân; sống thuỷ chung, nghĩa tình; tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, trở thành những tấm gương sang cho thế hệ trẻ noi theo”, Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và đại diện các cựu học sinh miền Nam tại Vĩnh Phúc. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Chiến tranh đã lùi xa gần 45 năm nhưng trong ký ức của nhiều cựu học sinh miền Nam vẫn nhớ rất rõ hình ảnh địa điểm sơ tán của trường là thôn Hữu Tài, Đại Điền, Sơn Thanh, thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, nằm ngay dưới chân ngọn núi Thiên Thị, ngọn núi cao nhất của dãy Tam Đảo. Trong hoàn cảnh vất vả, gian khổ của cuộc chiến tranh phá hoại, cán bộ, học viên của Trường An ninh miền Nam đã được đồng bào cưu mang, đùm bọc, tạo mọi điều kiện, nhường nơi ăn chốn ở tốt nhất với tình cảm yêu thương, quý mến con em miền Nam như người thân trong gia đình. Những ân tình đó của đồng bào, sự tận tình dạy dỗ của các thầy cô của Trường An ninh miền Nam luôn được chúng tôi ghi nhớ trong lòng và nguyện tiếp tục phấn đấu, giữ gìn bản thân để xứng đáng với những ân tình đó.
Phó Trưởng Ban Liên lạc học sinh miền Nam tỉnh Vĩnh Phúc, bác Nguyễn Thế Thanh thay mặt các học sinh miền Nam từng học tập, trú đóng tại Vĩnh Phúc đã bày tỏ lòng tri ân của các học sinh miền Nam đối với thầy cô giáo, cán bộ, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã giúp đỡ hết lòng cho những học sinh miền Nam những năm tháng chiến tranh vô cùng ác liệt.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và đại diện học sinh miền Nam bên biểu tượng "Lòng Mẹ". Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì nêu rõ biểu tượng “Lòng Mẹ” là công trình và hoạt động văn hoá có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc, sự thuỷ chung son sắt của hai miền Bắc- Nam một nhà, gắn kết nhân dân Vĩnh Phúc với nhân dân các tỉnh phía Nam của đất nước.
Sau lễ khánh thành biểu tượng, các cấp chính quyền thực hiện tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị công trình biểu tượng, các sản phẩm của triển lãm hiệu quả, thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, hiếu học, tình cảm và đoàn kết Bắc- Nam, nhất là đối với các thế hệ trẻ trong tỉnh. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ra sức học tập, lao động sản xuất, xây dựng quê hương và đất nước ngày càng giàu đẹp./.
Lê Sơn