In bài viết

Khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ hy sinh trên tuyến Đường 1C huyền thoại

(Chinhphu.vn) - Ngày 27/4, tại huyện biên giới Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã dự và phát biểu tại Lễ Khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Lực lượng vũ trang nhân dân và Thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C.

27/04/2024 16:21
Khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ hy sinh trên tuyến Đường 1C huyền thoại- Ảnh 1.

Các đại biểu dự Lễ Khánh thành Đền thờ Anh hùng, liệt sĩ Lực lượng vũ trang nhân dân và Thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thường trực Ban Bí thư, Đại tướng Lê Hồng Anh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Kiên Giang và lãnh đạo các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Căn cứ địa Giang Thành - một biểu tượng sáng ngời về ý chí, nghị lực của người dân Kiên Giang

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, nhất là các cựu lực lượng Thanh niên xung phong trên tuyến Đường 1C, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và các địa phương, quý đại biểu, đồng bào, đồng chí và Nhân dân cả nước những tình cảm quý mến và trân trọng nhất.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, vùng Hà Tiên, Kiên Lương, Giang Thành là căn cứ địa cách mạng vững chắc, giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Đây cũng là nơi tiếp nhận, đùm bọc, che chở, bảo vệ an toàn cho các cán bộ, chiến sĩ, lực lượng thanh niên xung phong làm nhiệm vụ an ninh biên giới, vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men từ hậu phương miền Bắc chi viện và tăng cường cho chiến trường miền Nam nói chung, Kiên Giang nói riêng.

Có thể nói, căn cứ địa Giang Thành như một biểu tượng sáng ngời về ý chí, nghị lực của người dân Kiên Giang, là yếu tố quyết định và đảm bảo cho thắng lợi của quân và dân trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ hy sinh trên tuyến Đường 1C huyền thoại- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Sự hy sinh quên mình của các anh, các chị trên Tuyến đường 1C huyền thoại đã thể hiện rõ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tô thắm lịch sử cách mạng vẻ vang của đất Kiên Giang anh hùng nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Hiến dâng tuổi thanh xuân, giữ vững huyết mạnh cho tuyến Đường 1C 

Phó Thủ tướng cho biết, tuyến đường 1C được hình thành trong lúc địch tăng cường đánh phá ác liệt miền Nam, phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân.

Đường Hồ Chí Minh trên biển do Đoàn 962 phụ trách bị địch phát hiện, phong tỏa, đánh phá gắt gao nên việc vận chuyển hàng quân sự của Trung ương chi viện cho chiến trường Tây Nam Bộ gặp rất nhiều khó khăn.

Trong tình thế ấy, tuyến Đường 1C trở thành tuyến vận tải để vận chuyển vũ khí, lương thực, đón bộ đội ngoài miền Bắc từ miền Đông Nam Bộ về chiến trường miền Tây Nam Bộ.

Đến ngày 30/4/1975, trên tuyến Đường 1C đã có hàng nghìn thanh niên xung phong với tình yêu Tổ quốc và ý chí căm thù giặc, tình nguyện đem tuổi thanh xuân, dùng sức người vận chuyển hàng trăm nghìn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc cứu thương, thuốc trị bệnh,... cho chiến trường Tây Nam Bộ.

Đồng thời, các anh, chị thanh niên xung phong đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ an toàn cho các cán bộ, bộ đội, văn công, thương binh, thực hiện lý tưởng cách mạng cao đẹp: "Vì Tổ quốc thân yêu"! Để giữ vững huyết mạch cho con đường 1C đã có biết bao người con thân yêu của quê hương, đất nước mãi mãi nằm lại mảnh đất thiêng liêng này.

"Sự hy sinh quên mình của các anh, các chị trên Tuyến đường 1C huyền thoại đã thể hiện rõ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tô thắm lịch sử cách mạng vẻ vang của đất Kiên Giang anh hùng nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung", Phó Thủ tướng bày tỏ.

Khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ hy sinh trên tuyến Đường 1C huyền thoại- Ảnh 3.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Đường 1C. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Huyện Giang Thành và tỉnh Kiên Giang: Tiếp tục lập nên những thành tích xuất sắc

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh tươi đẹp trên mảnh đất Giang Thành ác liệt năm xưa. Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Giang Thành nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung tiếp tục lập nên những thành tích xuất sắc.

Trải qua 15 năm hình thành, xây dựng và phát triển (9/2009 - 9/2024), từ một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Kiên Giang, nay Giang Thành đã có 4/5 xã được công nhận xã nông thôn mới.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được Đảng bộ xây dựng củng cố.

Với những bước phát triển đó, Giang Thành đã góp phần đưa tỉnh Kiên Giang thực sự trở thành một trong những tỉnh mạnh của đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và những thành tựu xuất sắc mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Giang Thành nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung đã đạt được trong thời gian qua.

Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tuyến Đường 1C: Biểu trưng để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" bằng các cơ chế, chính sách cũng như các công trình, dự án cụ thể để tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến...

Do đó, Đền thờ Anh hùng liệt sĩ, Lực lượng vũ trang nhân dân và Thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C tại huyện biên giới Giang Thành tỉnh Kiên Giang là công trình mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường 1C, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân cả nước, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ khi đến Giang Thành.

"Trong buổi lễ trang trọng hôm nay, chúng ta thành kính tưởng nhớ công ơn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các đồng chí lãnh đạo tiền bối, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, các Cựu chiến binh, Cựu Thanh niên xung phong đã không tiếc máu xương, công sức cống hiến cho Tổ quốc", Phó Thủ tướng bày tỏ.

Khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ hy sinh trên tuyến Đường 1C huyền thoại- Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu trồng cây lưu niệm tại Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ Đường 1C. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Phó Thủ tướng tin tưởng rằng tỉnh Kiên Giang sẽ làm tốt trách nhiệm quản lý, bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị của Đền thờ, xem như đây là biểu trưng để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau; tạo điều kiện cho Nhân dân và du khách đến thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ và Thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh trên tuyến Đường 1C. 

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Kiên Giang, trong đó có huyện Giang Thành sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng cống hiến, ra sức thi đua, quyết tâm xây dựng Kiên Giang ngày càng phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

* Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã dâng hương tại Bia tưởng niệm Thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại huyện Giang Thành (tại xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành).

Khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ hy sinh trên tuyến Đường 1C huyền thoại- Ảnh 5.

Đồng chí Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang phát biểu tại buổi lễ. Ảnh VGP/Trần Mạnh.

1C là mật danh của tuyến đường vận tải chiến lược của Trung ương chi viện hậu cần, lực lượng cho chiến trường Tây Nam bộ đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy Khu IX và các tỉnh ủy những nơi tuyến đường đi qua như Tây Ninh, Rạch Giá, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau.

Tuyến đường 1C nối liền đường Trường Sơn với các tỉnh Tây Nam bộ, bắt đầu tại Lò Gò, Sa Mát (Tây Ninh) chạy dọc biên giới Việt Nam – Campuchia về khu vực huyện Hà Tiên, (nay là huyện Giang Thành), băng qua rừng tràm Hà Tiên, vượt kênh Vĩnh Tế, kênh Tám Ngàn, qua đường Cái Sắn... về Cái Nứa, Ba Đình (Vĩnh Bình, Vĩnh Thuận), nơi đóng căn cứ của Quân khu IX.

Trong suốt cuộc chiến tranh, Mỹ, ngụy luôn tìm cách phong tỏa, triệt hạ tuyến vận tải này. Địch huy động lực lượng lớn các sư đoàn thiện chiến, tập trung nhiều binh lực, hỏa lực, kể cả B52 bắn phá, oanh tạc cả ngày lẫn đêm, nhất là ở hai bên bờ kênh Vĩnh Tế. Một lượng lớn bom đạn, kể cả chất độc hóa học... đã trút xuống, nhưng vẫn không "xóa sổ" được tuyến vận tải này, không hủy diệt được sức sống của tuyến đường, không khuất phục được ý chí, nghị lực, sức chiến đấu bền bỉ của lực lượng thanh niên xung phong.

Với vai trò là huyết mạch của cách mạng miền Tây, từ cuối năm 1967-1975 thông qua tuyến đường 1C lực lượng thanh niên xung phong vận chuyển trên 13.000 tấn hàng quân sự và đưa đón trên 30.000 lượt cán bộ, cung cấp kịp thời cho chiến trường miền Tây, góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước./.

Trần Mạnh