Đoàn kiểm tra, khảo sát do TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của lãnh đạo phòng, chuyên viên Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Đại diện địa phương có ông Trần Đăng Khoa, Phó Giám đốc, đại diện các phòng của Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp huyện; ông Nguyễn Duy Luân, Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông; thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật huyện Bạch Thông (MTTQ, công an, thanh tra).
Báo cáo của huyện Bạch Thông cho biết, Tân Tú là một xã miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn, với hơn 10% hộ nghèo và hộ cận nghèo trong toàn xã. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng của xã từng bước được hoàn thiện: Đường liên xã, liên thôn, nội thôn, các tuyến kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng. Đến nay 100% số thôn bản đều có đường bê tông hóa từ trung tâm UBND xã đến trung tâm thôn. Trên 80% diện tích được tưới tiêu chủ động tạo điều kiện cho việc tăng gia lao động sản xuất của người dân trên địa bàn xã.
Năm 2021, Cấp ủy Đảng của xã đã ban hành nghị quyết quán triệt cụ thể chỉ đạo UBND xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định trong tiêu chí số 18 "Hệ thống chính trị và chuẩn tiếp cận pháp luật". Chính quyền xã đã tổ chức thực hiện và đã đạt nhiều chỉ tiêu trong các tiêu chí đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù được thực hiện tại 18/18 thôn/bản; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không xảy ra trọng án, tội phạm và tệ nạn xã hội được kiềm chế; thành lập, kiện toàn 18 tổ hòa giải của 18 thôn (mỗi tổ có 5 hòa giải viên, xã đã tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở)...
Tuy nhiên qua kiểm tra, khảo sát cho thấy, việc tổ chức đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật của xã Tân Tú còn một số khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng các yêu cầu, nhất là việc chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu còn mang tính hình thức, chưa tương xứng với kết quả đạt được trên thực tế. Một số chỉ tiêu tự đánh giá đạt điểm số tối đa nhưng chưa đủ cơ sở, tài liệu để đánh giá, minh chứng; chưa hiểu đúng về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đội ngũ công chức được giao tham mưu, triển khai nhiệm vụ còn biến động, thay đổi, thiếu kinh nghiệm thực tiễn; còn lúng túng về chuyên môn, nghiệp vụ... Lãnh đạo xã chưa quan tâm chỉ đạo, phân công rõ các công chức chuyên môn của cấp xã trong việc theo dõi, phụ trách, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu. Nguồn lực, nhất là kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở còn gặp khó khăn. Tài liệu đánh giá, kiểm chứng chưa đầy đủ, chưa đủ cơ sở chấm điểm các tiêu chí được sát thực, khách quan.
Tại hội thảo chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật, các đại biểu đã kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới. Trong đó có nguồn lực, kinh phí dành cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, nâng cao năng lực về kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở; hướng dẫn việc xây dựng, triển khai các mô hình về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở…
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, bà Ngô Quỳnh Hoa đã chia sẻ với những khó khăn hiện nay của địa phương, ghi nhận sự nỗ lực, tích cực và kết quả đạt được trong triển khai nhiệm vụ gắn với thực hiện mục tiêu về đích nông thôn mới; nhấn mạnh ý nghĩa và mục đích của công tác đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận: xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là xã hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật, từ đó xây dựng môi trường sống, giúp người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi.
Các tiêu chí, chỉ tiêu là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm quyền, lợi ích cho người dân trên địa bàn, nếu chưa hoàn thành thì cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Do đó, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai của xã trong triển khai nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ còn chưa tốt, chưa đảm bảo yêu cầu.
Theo đó, HĐND, UBND quan tâm toàn diện, sâu sắc, thực chất đến công tác này, bố trí con người, nguồn lực, bồi dưỡng, hướng dẫn công chức tư pháp-hộ tịch trong triển khai nhiệm vụ này.
Cấp xã có kế hoạch, văn bản chỉ đạo, phân công cụ thể các nhiệm vụ của từng công chức tham mưu, theo dõi, phụ trách, thực hiện chấm điểm, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu gắn với nhiệm vụ chuyên môn được giao; tổ chức đánh giá, công nhận đảm bảo đúng thời hạn quy định.
Cấp huyện tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ của các xã trên địa bàn. Cần tổ chức kiểm tra thường xuyên, kiểm tra chuyên đề, đặc biệt là thực hiện theo các văn bản mới hiện nay, từ đó để hỗ trợ, giải đáp các vấn đề mà cơ sở còn lúng túng, khó khăn.
Cấp tỉnh hướng dẫn cho huyện, cho xã trong triển khai thống nhất nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng trách nhiệm và quy định, trong đó có việc hỗ trợ tập huấn cho các huyện, nhất là vấn đề chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn các mô hình hay, hiệu quả, chú trọng sơ kết, tổng kết, khen thưởng... nhằm thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật theo đúng mục đích, yêu cầu, để công tác chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới bảo đảm thực chất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
LS