Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác đã làm việc với Tổng công ty Xây dựng Cảng Trung Quốc (thuộc Tập đoàn Xây dựng Trung Quốc - doanh nghiệp thuộc nhóm 100 doanh nghiệp có giá trị lớn nhất thế giới).
Lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Cảng Trung Quốc đã cung cấp một số thông tin về Cảng thương mại tự do Hải Nam, quá trình hình thành và phát triển cũng như những dự án mà doanh nghiệp này đang triển khai.
Hải Nam là tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP thuộc nhóm nhanh hàng đầu Trung Quốc, đạt khoảng 9% vào năm 2023 (cả nước là hơn 5%). Các chỉ số đều rất khả quan như: Thương mại hàng hoá tăng 15%, thương mại dịch vụ tăng 30%, khách đến Hải Nam sau dịch COVID-19 tăng 50%, thu nhập từ du lịch tăng 72%, số lượng doanh nghiệp tăng rất mạnh (tăng thêm 40.000 doanh nghiệp vào năm 2022 và tăng 10.000 doanh nghiệp vào năm 2023).
Tuy nhiên, Hải Nam cũng đang gặp phải một số thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh với các khu vực xung quanh như Chu Hải (Quảng Đông), Lâm Cảng (Thượng Hải), Tiền Hải (Thâm Quyến)... Đây đều là những khu vực có các chính sách đột phá và ưu việt. Ngoài ra, mức tăng trưởng của đầu tư toàn xã hội đang có dấu hiệu chậm lại, năm 2023 chỉ đạt khoảng 1%. Hiệu quả của một số chính sách vẫn chưa rõ nét, giá trị hàng hoá hưởng thuế suất bằng 0% và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất chưa vượt 3 tỷ USD, hàng hoá tiêu dùng nội địa chưa vượt 700 triệu USD...
Tại cuộc làm việc, hai bên trao đổi một số kinh nghiệm trong việc phát triển cảng thương mại tự do, điển hình như các chính sách miễn thuế, giảm thuế cho khoản tiêu dùng 100.000 tệ/người dân/năm tại Hải Nam, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ khoảng 15% (mức chung là 25%)....
Cũng tại tỉnh Hải Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã khảo sát Trung tâm Thương mại tự do, khu thương mại tự do miễn thuế tại Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc. Đây là khu vực miễn thuế, một phần trong Cảng thương mại tự do Hải Nam.
Sau đó, đoàn công tác có cuộc làm việc với Cục Phát triển kinh tế quốc tế Hải Nam. Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị hai bên trao đổi về những kinh nghiệm cụ thể trong việc xây dựng Cảng thương mại tự do Hải Nam, điển hình như: Việc ban hành những chính sách để khuyến khích phát triển khu thương mại tự do; mục tiêu chính của khu thương mại tự do; quá trình thực hiện đến nay, những điểm đã đạt được, những điểm chưa đạt được; so sánh sự cạnh tranh của Cảng thương mại tự do Hải Nam với các khu khác của Trung Quốc...
Lãnh đạo Cục Phát triển kinh tế quốc tế Hải Nam cho biết những năm gần đây, trao đổi buôn bán giữa Việt Nam và tỉnh Hải Nam ngày càng phát triển. Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khối lượng hàng hoá trị giá 495 triệu USD vào Hải Nam, đồng thời, Việt Nam cũng nhập 673 triệu USD giá trị hàng hoá từ Hải Nam. Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam là đồ gỗ, củi đốt, dừa, xi măng... Hải Nam xuất sang Việt Nam linh phụ kiện một số ngành công nghiệp, đất cao lanh...
Hiện tại Hải Nam đang áp dụng một số chính sách ưu việt như: Miễn VISA cho công dân 59 quốc gia, thúc đẩy nhiều lĩnh vực như du lịch, thăm thân, vui chơi giải trí; mở rộng các chuyến bay thẳng từ các trung tâm lớn trong khu vực đến Hải Nam; xây dựng khu vực hải quan riêng với mục tiêu mở; thành lập các cửa khẩu, trạm kiểm soát, phầm mềm chống buôn lậu, hàng giả...
Tiếp đó, đoàn làm việc với Văn phòng Uỷ ban Công tác Cảng thương mại tự do Hải Nam. Lãnh đạo Văn phòng Uỷ ban Công tác Cảng thương mại tự do Hải Nam cho biết, Luật Cảng thương mại tự do được ban hành ngày 10/6/2021 của Trung Quốc đã tạo khung pháp lý thống nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển Cảng thương mại tự do.
Cảng thương mại tự do Hải Nam hiện áp dụng mức phi thuế quan bằng 0% với 3 nhóm mặt hàng: Nguyên vật liệu, sản phẩm phụ trợ phục vụ sản xuất; các phương tiện và công cụ giao thông; thiết bị máy móc để các công ty đưa vào sản xuất.
Khu vực Cảng thương mại tự do Hải Nam áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc nhóm ngành khuyến khích là 15% và thuế thu nhập cá nhân với nhân tài ở lĩnh vực cần khuyến khích, cao nhất không quá 15%. Tại đây cũng đang rà soát lại các sắc thuế, làm đơn giản hoá kết cấu các loại thuế, tiến đến một mức thuế thấp hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác cũng có cuộc làm việc với ông Lưu Tiểu Minh, Tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam. Ông Lưu Hiểu Minh đã cung cấp một số thông tin về quá trình xây dựng và phát triển Cảng thương mại tự do Hải Nam, hướng tới tiêu chuẩn thương mại tư do mới, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam Lưu Hiểu Minh cũng mong muốn Việt Nam và Hải Nam ngày càng kết nối giao thương; khơi thông các tuyến giao thông, tạo điều kiện cho trao đổi vốn, thương mại, du lịch; kết nối các cảng từ Hải Nam tới Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Ông cũng mong muốn mở rộng đầu tư và hợp tác hai bên, tăng cường trao đổi thiết lập chuỗi cung ứng công nghiệp...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảm ơn lãnh đạo tỉnh Hải Nam đã hỗ trợ đoàn công tác trao đổi nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng Cảng thương mại tự do Hải Nam. Bộ trưởng cũng chúc mừng tỉnh Hải Nam bước đầu đã đạt được những kết quả tốt trong việc xây dựng Cảng thương mại tự do.
Bộ trưởng đánh giá hợp tác giữa Hải Nam và Việt Nam những năm gần đây ngày càng sâu sắc. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn rất nhiều dư địa, trên nhiều lĩnh vực, các chính sách ưu việt của Hải Nam cũng chính là cơ hội cho Việt Nam. Ông mong muốn hai bên tăng cường hợp tác, kết nối, chia sẻ, bổ sung cho nhau, tận dụng lợi thế của nhau, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng thắng. Bộ trưởng thống nhất các đề xuất hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là kết nối và giao thông, từ kết nối đó có thể mở ra kết nối nhiều lĩnh vực như thương mại, giáo dục, nông nghiệp, y tế, công nghiệp...
Bộ trưởng cũng đề nghị 2 bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; cùng tăng cường giao lưu nhân nhân, duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Ông cũng mong muốn hai bên tăng cường chia sẻ kinh nghiệm phát triển, để cùng nhau đẩy mạnh một số lĩnh vực mới, phù hợp với sự nghiệp phát triển của cả hai nước./.
Minh Ngọc