In bài viết

Khảo sát thành nhà Mạc tại huyện Phục Hòa

Ngày 24/8/2011, đồng chí Trần Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến khảo sát thành nhà Mạc tại huyện Phục Hòa. Cùng đi có lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh.

29/08/2011 14:40
Thành nhà Mạc được xây dựng qua nhiều thời đại khác nhau. Đời Đường Hy Tông, niên hiệu Hàm Phong thứ 7 (năm 864). Thành được xây bằng đất, đến đời Mạc Kính Cung (năm 1594), được xây bằng gạch trên nền đất. Thành thuộc loại di tích kiến trúc thành cổ, được xây theo hình vuông, tường xây bằng gạch vồ, chân thành kê đá tảng, có 4 tường thành khép kín và một thành án ngữ bên ngoài. Qua thời gian, nhiều di tích đã bị mất, mai một. Hiện nay, chỉ còn là một đoạn thành dài 18m với kiến trúc gạch thời Mạc, đủ các kích cỡ khác nhau ở phía sau trụ sở UBND thị trấn Hòa Thuận; một số đoạn còn vết tích của thành đất dọc theo bờ sông Bằng thuộc địa phận Tà Lùng đến bãi ngô làng Bản Thò; gần quốc lộ 3 đoạn chạy từ bờ sông làng Pác Thò đến cuối chân núi 275 có vườn đạn, với nhiều loại đạn đá khác nhau. Trong nội thành phía Bắc có Đền thờ Vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi). gồm 2 nhà xây bằng gạch, đã bị phá hủy do thời gian. Năm 2006, nhân dân quyên góp xây dựng lại Đền bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương. Hằng năm, nhân dân tổ chức lễ hội Đền Vua Lê; tuy nhiên, hiện nay các nội dung của lễ hội đã bị mai một nhiều.

Sau khi đến khảo sát và nghe báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh, lãnh đạo huyện Phục Hòa, đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu UBND huyện Phục Hòa phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch lập kế hoạch bảo tồn di tích. Trong đó, lập bản đồ toàn cảnh, hướng tuyến, quy mô của thành; bảo tồn hiện vật khu hiện vật trung tâm, khoanh vùng bảo vệ để làm hồ sơ xếp hạng di tích, xác định, thu gom những di vật còn lại (đạn đá, gạch); điều chỉnh quy hoạch của huyện để bảo vệ di tích. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ huyện lập hồ sơ xếp hạng di tích và có đề án phục dựng lễ hội Đền Vua Lê.
Theo BCB