Dự án tưởng chừng "không tưởng" đã thành công!
Nhớ lại những ngày đầu biết tới Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao, ông Nguyễn Xuân Dương (nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi-Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam) cho biết, ở thời điểm 2008, rất nhiều người trong đó có cả các chuyên gia nổi tiếng về chăn nuôi và không ít quan chức, hoài nghi về Dự án này. Họ cho rằng chăn nuôi bò sữa ở xứ sở khô cằn, chỉ có nắng và gió Lào như Nghĩa Đàn-Nghệ An là ý tưởng phiêu lưu.
Cuối năm 2008 khi ông tháp tùng Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đi thăm thực địa tại dự án sữa TH. Trên cánh đồng đất vừa cày xới vẫn còn ngổn ngang, bà Thái Hương-nhà sáng lập Tập đoàn TH, say sưa trình bày với Phó Thủ tướng về những khát vọng đối với ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam.
Khi Phó Thủ tướng nói Việt Nam phải có được một "dòng sông sữa", vị nữ doanh nhân-sau này được phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, quả quyết "TH sẽ còn làm thêm cả "cánh đồng sữa" ở đất Nghĩa Đàn này".
Dựa trên nền tảng phát triển bền vững, công ty THMF đã học hỏi, ứng dụng công nghệ 4.0 và những công nghệ đầu cuối thế giới vào dự án. Các chuyên gia giỏi từ những quốc gia có ngành chăn nuôi bò sữa hàng đầu thế giới được mời về trực tiếp làm việc và hướng dẫn kỹ thuật. Trang trại cũng nhập khẩu giống bò sữa cao sản thuần chủng (bò Holstein Friesian) tốt nhất từ Mỹ, New Zealand.
Và THMF đã thành công!
"Để thành công như hiện nay, ngoài quyết tâm và khát vọng của nhà đầu tư, thì chính tư duy, tầm nhìn về ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, chế biến, quản trị tiên tiến và cách mà công ty lựa chọn đối tác - đều là những đối tác hàng đầu thế giới, đầu tư bài bản về công nghệ ngay từ đầu, là những yếu tố quan trọng nhất" - Ông Nguyễn Xuân Dương nhìn nhận.
Còn TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ NN&PTNT lý giải thành công này đến từ nhiều yếu tố. Theo ông, đầu tiên là chất lượng đàn bò sữa. THMF nhập khẩu bò sữa thuần chủng, xây dựng hệ thống chuồng trại chuẩn, thiết kế có tầm nhìn, và ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến của Israel vào chăn nuôi, quản lý, chăm sóc đàn.
Tiếp đến là xây dựng hệ thống chế biến đồng bộ để sản xuất ra dòng sữa tươi sạch. Bên cạnh đó, tư duy quản trị, cách thức quản lý và xây dựng đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện cho khoa học công nghệ cao đi vào sản xuất cũng góp phần đưa đến thành công cho công ty.
Năm 2011, khi tới thăm dự án, ông Shimon Peres, Tổng thống Nhà nước Israel lúc bấy giờ, đã đánh giá về Dự án sữa tươi sạch TH true MILK như sau: "Dự án TH true MILK đã khởi xướng cuộc cách mạng sữa tươi sạch ở Việt Nam".
TS. Đặng Kim Sơn cho biết khi THMF bắt đầu Dự án, Việt Nam có khoảng 500 nhãn hiệu sữa khác nhau, nhưng không rõ ràng đâu là sữa hoàn nguyên (sữa bột pha lại), đâu là sữa tươi, trong đó thực chất phần lớn là sữa hoàn nguyên. Theo một khảo sát, sữa hoàn nguyên thời điểm đó chiếm tới 92% thị trường sữa nước. Về chăn nuôi bò sữa thì còn rất manh mún, lạc hậu.
Trong bối cảnh đó, dự án sữa TH thành công đã có sự tác động sâu sắc đến bản chất ngành sữa. Với đàn bò được nuôi trên quy mô lớn và sữa tươi được chế biến ngay tại Việt Nam, định vị thương hiệu "true MILK" - sữa tươi sạch và thật đã tạo được vị thế cạnh tranh trên thị trường. Thành công của TH true MILK cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến sữa cạnh tranh về chất lượng, phải thực sự chăn nuôi bò sữa, từ đó đưa tỉ lệ sản phẩm sữa tươi tăng từ 8% năm 2008 lên đến khoảng 55% vào năm 2022.
Tính đến tháng 12/2022, dự án đã sở hữu đàn bò quy mô gần 70.000 con, sản phẩm TH true MILK chiếm khoảng 45% thị phần trong phân khúc sữa tươi thị trường thành thị Việt Nam.
Không những tạo ra một cuộc cách mạng cho ngành sữa Việt Nam, TH true MILK còn thuyết phục được những thị trường có tiêu chuẩn thực phẩm khắt khe hàng đầu thế giới, Trung Quốc là một ví dụ. Hành trình vươn ra thế giới của sản phẩm Thương hiệu quốc gia này càng được khẳng định mạnh mẽ với Dự án chăn nuôi bò sữa tổng vốn 2,7 tỷ USD tại Liên bang Nga.
Với tôn chỉ "Trân quý Mẹ thiên nhiên" thấm nhuần ở tất cả các đơn vị thuộc Tập đoàn TH, công ty THMF cũng xác định con đường phát triển bền vững ngay từ ngày đầu thành lập, dù cho đây là con đường khó, đòi hỏi chi phí cao.
THMF ứng dụng những công nghệ hiện đại hàng đầu và sử dụng quy trình khép kín, tuần hoàn: lắp đặt điện mặt trời trên các mái trang trại, nhà máy nhằm cung cấp năng lượng sạch; xây dựng nhà máy chế biến phân vi sinh sạch tiêu chuẩn quốc tế từ chất thải trang trại bò sữa; xử lý nước thải… Tất cả đều hướng tới phát triển bền vững bằng quy trình khép kín, tuần hoàn.
Đây là cách tiếp cận phát triển mà cả thế giới đều đang hướng đến nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa là cách để không ai bị bỏ lại phía sau.
"Chúng tôi đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm giải pháp để phát triển bền vững và thực hành mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn", ông Tal Cohen - Tổng Giám đốc Công ty THMF khẳng định.
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, TH đã đóng góp cho sự phát triển bền vững nhiều khía cạnh, trong đó có thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, một trong những nhóm giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Quỳnh Anh